Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững

09:08 - Thứ Sáu, 11/05/2018 Lượt xem: 10760 In bài viết
ĐBP - Ðích đến của xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao mức sống của người nông dân cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy, việc thực hiện các tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng NTM là nội dung quan trọng được các xã trên địa bàn huyện Ðiện Biên quan tâm, ưu tiên triển khai.

 

Ông Phạm Văn Hương, đội 2, xã Thanh Yên chăm sóc vườn cây thanh long.

Những năm qua, cùng với xây dựng NTM, huyện Ðiện Biên đã triển khai đầy đủ các chính sách giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa khó khăn, trong đó có thể kể đến một số chương trình như: Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; chương trình 135; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo... Ðồng thời tranh thủ các chương trình, dự án, nguồn vốn để hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và kêu gọi sự tham gia đóng góp tiền của, công sức của nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn vào các hoạt động thay đổi diện mạo nông thôn… Vì vậy có thể nói công tác giảm nghèo gắn với xây dựng NTM tại huyện Ðiện Biên đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Nhờ vậy, sau gần 7 năm xây dựng NTM, huyện Ðiện Biên có 7 xã đạt chuẩn NTM. Các tiêu chí thể hiện rõ kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo là: Tiêu chí số 9 (nhà ở dân cư), số 10 (thu nhập), số 11 (hộ nghèo). Hiện tại, huyện có 9/25 xã đã đạt tiêu chí số 10 với yêu cầu thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt từ 36 triệu đồng/người/năm và đến thời điểm năm 2017 đạt 26 triệu đồng/người/năm. Còn tính chung toàn huyện thì hiện bình quân thu nhập là 17,76 triệu đồng/người/năm. Tiêu chí số 11 cũng có 9/25 xã đạt với yêu cầu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dưới 12%. Tổng toàn huyện năm 2017 còn 21,25% hộ nghèo, giảm 3,6% so với 2016.

Thanh Yên là một trong những xã nổi bật trong công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn huyện Ðiện Biên. Sau nhiều năm nỗ lực, hiện xã đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí theo quy định Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, đang trong quá trình đề nghị công nhận là xã đạt chuẩn NTM năm 2017. Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Thanh Yên xác định xây dựng NTM phải xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Vì vậy để nâng cao chất lượng đời sống người dân, xã tập trung vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt chú trọng tăng đàn trâu, bò, góp phần tạo việc làm tại chỗ, gây dựng tài sản cho bà con”. Trong năm 2017, để góp phần giảm nghèo bền vững, với 3 nguồn vốn, bao gồm xây dựng NTM, chương trình 135, vốn nhân rộng mô hình, Thanh Yên đều đầu tư vào nuôi bò sinh sản. Trong đó có 6 nhóm hộ (14 gia đình) được hỗ trợ 105,5 triệu đồng nuôi bò luân chuyển, 13 hộ được hỗ trợ 93,6 triệu đồng để nhân đàn bò, 92 hộ phát triển chăn nuôi bò theo phương thức Nhà nước hỗ trợ 1 nửa (tổng 472,5 triệu đồng chung mua con giống, thuốc thú y và tổ chức tập huấn), nhân dân đối ứng 1 nửa. Nhờ vậy, phong trào chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn xã Thanh Yên rất phát triển, người dân có “đầu cơ nghiệp”, thêm động lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Một phần nhờ những mô hình, chương trình đầu tư thiết thực như vậy mà thu nhập bình quân đầu người toàn xã Thanh Yên tăng đều hàng năm, từ 15,2 triệu đồng vào năm 2014, lên 27,903 triệu đồng vào năm 2017. Qua rà soát, hộ nghèo còn 148/1.903 hộ, chiếm 7,8%. Ðể duy trì và nâng cao hơn nữa những thành quả đã đạt được, ông Lê Tiến Dũng cho biết thêm: Xã tiếp tục ưu tiên thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt là các mô hình về trâu, bò và gà; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ hộ nghèo trong phát triển kinh tế gia đình, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn dưới 5%, bình quân thu nhập 36 triệu đồng/người/năm.

Thanh An cũng là 1 trong những xã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác xây dựng NTM, đặc biệt là về giảm nghèo với thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 27,182 triệu đồng/năm; hộ nghèo còn 182/1.660 hộ chiếm 10,07% (trừ 53 hộ bảo trợ xã hội thì tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí NTM là 8,03%). Một trong số ít chỉ tiêu “làm khó” Thanh An là xóa nhà tạm, dột nát thuộc tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư. Hiện tại, xã còn 19 gia đình sinh sống trong nhà tạm. Thực tế, đầu năm 2017, Thanh An còn 70 hộ có nhà tạm, dột nát. Bằng nhiều cách làm, chỉ trong 1 năm, 51 hộ đã tự lực, hoặc được hỗ trợ tiền, hay tạo điều kiện vay vốn để sửa chữa, xây mới nhà ở kiên cố. Bà Lò Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An, cho biết: Thanh An vẫn đang nỗ lực xóa nhà tạm bằng những cách tích cực huy động sự tham gia đóng góp hỗ trợ làm nhà cho các gia đình đặc biệt khó khăn từ cán bộ, nhân dân, tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn; đồng thời tiếp tục phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi đến các hộ còn ở nhà tạm; đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế, tạo việc làm ổn định, để người dân phát huy nội lực, tăng thu nhập…

Mỗi địa bàn đều gặp những khó khăn riêng trong xây dựng NTM, đặc biệt là đối với mục tiêu ổn định, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Nhưng bằng sự nghiêm túc, quyết tâm, đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, có thể tin tưởng rằng những mô hình, cách làm hay sẽ được nhân rộng, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo vùng nông thôn huyện Ðiện Biên; từ đó công cuộc giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top