Tăng phí dịch vụ ATM đã trong lộ trình tính toán

14:55 - Thứ Sáu, 11/05/2018 Lượt xem: 7236 In bài viết
Gần đây, việc hàng loạt ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)... tăng phí dịch vụ ATM đã trở thành vấn đề "nóng", được xã hội quan tâm. Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cho biết, việc tăng phí như vậy là theo thông lệ và đã được tính toán trong lộ trình từ 6 năm trước.

Theo Agribank, từ ngày 12-5, ngân hàng này sẽ bắt đầu tăng phí rút tiền nội mạng tại ATM từ 1.000 đồng lên 1.650 đồng (đã gồm thuế giá trị gia tăng - VAT), phí chuyển khoản liên ngân hàng qua E-Mobile Banking tăng lên mức 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu là 8.000 đồng mỗi giao dịch. Các ngân hàng như Vietcombank, Eximbank, VIB… cũng tăng một loại phí dịch vụ. Chẳng hạn, Vietcombank thu phí SMS Banking tăng từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng mỗi tháng (đã gồm VAT). Ngoài ra, nếu trước đây người dùng Vietcombank chuyển khoản trong cùng hệ thống qua ứng dụng Mobile Banking hay Mobile Bankplus được miễn phí thì hiện cũng mất phí.

 

Ảnh minh hoa.

Ông Đào Minh Tuấn cho biết, Thông tư 35/2012/TT-NHNN (ngày 28-12-2012) của Ngân hàng Nhà nước quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa ban hành từ năm 2012 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1-3-2013. Cụ thể, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2013 và 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi. Nhưng, trên thực tế, đến nay mức trần thu phí ATM mới được một số ngân hàng áp dụng.

Cũng theo ông Đào Minh Tuấn, chi phí duy trì ATM hiện vẫn cao hơn rất nhiều mức phí mà các ngân hàng đang thu. Tại Việt Nam, 97% các giao dịch với thẻ ghi nợ nội địa vẫn là để rút tiền, thay vì thanh toán các hàng hóa dịch vụ. Chính thực tế này dẫn đến việc các ATM ở Việt Nam đang quá tải và xuống cấp nhanh hơn các quốc gia khác. Con số 7.000-10.000 đồng cho một giao dịch các ngân hàng đưa ra là đã tính mọi chi phí, gồm cả bảo trì, duy trì một ATM trong nhiều năm. 

Ngay sau khi vấn đề tăng phí ATM được đưa ra trên các diễn đàn, mặc dù chưa có thông tin chính thức, nhưng đại diện của Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã có quy định về vấn đề này, các ngân hàng thương mại cũng tăng trong khung biểu phí quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trên thị trường liên ngân hàng, có ngân hàng tăng nhưng cũng có ngân hàng không tăng chứng tỏ thị trường phí rất tốt, như vậy là có sự cạnh tranh giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề của chuyện tăng phí là các ngân hàng phải làm thế nào để người tiêu dùng hiểu rõ tại sao lại tăng. Trong trường hợp này, cũng phải đặt câu hỏi ngược lại, nếu không tăng phí thì chi phí dịch vụ không tốt, các ngân hàng sẽ không thể đầu tư công nghệ hiện đại để bảo đảm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top