Lúa lạ xuất hiện và nỗi lo của người dân

08:36 - Thứ Bảy, 12/05/2018 Lượt xem: 9715 In bài viết

ĐBP - Mấy năm trở lại đây, vùng lòng chảo huyện Điện Biên xuất hiện giống lúa lạ, người dân thường gọi là lúa “trời”. Nhiều nhất là trên cánh đồng các xã: Sam Mứn, Noong Luống và Thanh Xương… Dù không được lựa chọn, nhưng cây lúa này mọc xen kẽ, thậm chí lấn chiếm diện tích lúa thường, phát triển mạnh, lây lan nhanh, khó loại trừ, khiến người dân lo lắng.

Lao đao vì lúa lạ

Dưới cái nắng hầm hập như chảo lửa tạt vào mặt, bên thửa ruộng của gia đình, anh Lò Văn Lón, bản Noong Nhai 1, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) mải miết cắt đi những cây lúa tốt um đang trong thời kỳ trỗ bông. Thấy chúng tôi băn khoăn có phần ngạc nhiên, anh Lón dừng tay quệt từng giọt mồ hôi trên trán, thở dài bảo: Lúa lạ đó nhà báo à! Mình không gieo nhưng chẳng hiểu vì sao chúng lại mọc xen với lúa thường. Lúa này trỗ bông sớm hơn, hạt lép, lửng và rất dễ rụng. Loại lúa này có hình dáng giống hệt lúa thường, xuất hiện từ năm 2015, khó phân biệt. Đến nay đã lan khắp cánh đồng, vụ sau mọc nhiều hơn vụ trước. Điều đáng nói, lúa lạ không cho thu hoạch vì chỉ cần chạm nhẹ hoặc gió thoảng qua là hạt đã rụng hết. Hiện không có cách nào để loại bỏ được giống lúa này. Kể cả phun thuốc diệt cỏ hoặc đốt, ủ trong đất và ngâm nhiều ngày nước nhưng chúng vẫn mọc tươi tốt, thậm chí còn mọc khỏe hơn cả lúa thường; cũng vì thế mà chúng tôi còn gọi đó là lúa “trời”. Loại lúa này có thân cứng, rễ mọc sâu rất khó nhổ bỏ; nhất là khi đã đẻ nhánh và trưởng thành, phải đào sâu và cắt hết rễ mới có thể nhổ lên. Dù mất nhiều thời gian, công sức vừa phải nhổ bỏ để tránh lan sang vụ sau vừa giảm ảnh hưởng năng suất lúa vụ này, không chỉ gia đình anh Lón mà nhiều hộ khác cùng chung cảnh đành phải cắt mang về cho trâu ăn; nhưng “lực bất tòng tâm” khi chỉ thời gian ngắn sau lúa lạ lại mọc và phát triển như bình thường. Cắt mãi chẳng xuể mà cứ để như vậy thì lúa lạ cho thu hoạch chẳng đáng là bao, lại ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

 

Gia đình anh Lò Văn Lón cắt bỏ lúa lạ để không ảnh hưởng đến năng suất lúa trồng.

Chung cảnh ngộ với anh Lón là gia đình ông Lò Văn Minh cùng bản. Vụ chiêm xuân này ông Minh cấy 6.000m2 lúa giống Bắc thơm số 7 và IR64. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích lúa của gia đình đều bị lúa lạ mọc lấn át. Ông Minh cho biết : Trước khi gieo cấy ông đã làm đất rất kỹ, đảm bảo đúng kỹ thuật như cán bộ khuyến nông hướng dẫn. Đặc biệt, trong giai đoạn tỉa giặm, gia đình ông đã phát hiện, nhổ bỏ nhưng đến nay lúa lạ vẫn mọc át lúa thường. Theo lời ông Minh, giống lúa gia đình ông và các hộ trong bản gieo cấy đều đăng ký mua của Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp xã Thanh Xương. “Trước đây tỉa giặm xong là được nghỉ ngơi, thi thoảng đi thăm đồng, phun thuốc, bón phân theo chu kỳ, lúa xanh tốt, năng suất cao; đủ gạo ăn, thậm chí còn dư đem bán. Giờ vẫn bằng ấy diện tích nhưng bỏ nhiều công sức mà thóc không đủ ăn. Chỉ mong cơ quan chuyên môn giúp chúng tôi diệt trừ loại lúa này” – ông Minh tâm tư.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, do lúa lạ xuất hiện nhiều nên không ít gia đình ở xã Thanh Xương đã không kịp nhổ bỏ, phải thuê người đi cắt, nhổ; song chẳng thấm vào đâu. Bỏ nhiều chi phí, công sức để chăm sóc, làm lụng mà năng suất lúa thấp, khiến nhiều hộ chán nản cho người khác thuê, như gia đình bà Trần Thị Thoa (đội 7), Hoàng Thị Lý (Đội C9C), Lê Thị Sử (Đội C9B)...

 

Ông Lò Văn Minh cắt lúa lạ về cho trâu ăn.

Cơ quan chức năng nói gì?

Để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc giống lúa mà người dân trên địa bàn xã Thanh Xương gieo cấy, chúng tôi đến gặp ông Lò Văn Bun, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp xã Thanh Xương, đồng thời cũng là cán bộ khuyến nông của xã. Ông Bun cho biết: Sau khi người dân đăng ký số lượng, chủng loại giống lúa cần mua, Hợp tác xã tổng hợp và hợp đồng mua tại Trạm Giống nông nghiệp huyện Điện Biên. Các giống lúa này đã được cơ quan chuyên môn kiểm định chặt chẽ và đảm bảo chất lượng. Theo ông Bun, lúa lạ ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất mùa vụ. Trước đây, bình quân năng suất đạt từ 6 - 6,8 tạ/1.000m2 thì nay chỉ còn 4 - 5 tạ/1.000m2. Không chỉ vậy, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đến tìm hiểu muốn đặt mua thóc, gạo với số lượng lớn, nhưng qua khảo sát thấy tỷ lệ lúa lạ nhiều, lo chất lượng không đảm bảo nên chỉ dừng lại ở mức tham khảo. “Trước thực trạng trên, chúng tôi đã báo cáo lên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên để tìm biện pháp xử lý. Cán bộ Khuyến nông huyện đã xuống kiểm tra và hướng dẫn bà con nhổ bỏ, không nên gieo sạ để tránh lây lan; nhưng hiện lúa lạ vẫn cứ mọc lấn át cả lúa trồng nên bà con rất lo lắng.

Lý giải về việc lúa lạ xuất hiện trên cánh đồng Mường Thanh, ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, cho biết: Trước thông tin của các cơ quan chuyên môn huyện về tình trạng lúa bị lẫn giống từ vài năm trước, UBND huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật, Công ty Giống nông nghiệp Điện Biên và các cơ quan chuyên môn thuộc huyện tổ chức thăm đồng định sản. Qua kiểm tra thực địa đối với diện tích lúa lẫn đó, đoàn đã bàn thảo, đánh giá và tìm giải pháp khắc phục. Theo ông Thắng, tình trạng lúa lẫn trên địa bàn huyện được xác định chủ yếu là do các hộ dân tự để giống hoặc sử dụng giống không rõ nguồn gốc. Hoặc sử dụng loại lúa kém chất lượng (loại lúa chỉ để dành chăn nuôi) hoặc nuôi vịt thả đồng sử dụng lúa chăn nuôi vãi trên đồng ruộng cho vịt ăn... Quá trình này diễn ra trong nhiều năm, nhiều vụ dẫn đến đến tình trạng lúa bị lẫn giống, lúa tạp.

Bất luận lúa lạ xuất hiện với nguyên nhân nào đi chăng nữa, thì thua thiệt vẫn là người nông dân “một nắng hai sương”, còng lưng gieo cấy, chăm sóc trên đồng ruộng những mong có mùa vàng bội thu, no đủ; nhưng lúa lạ còn đó thì nỗi lo chẳng ngày nào yên. Rất mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục tình trạng này; thứ nhất là để giúp người nông dân thoát khỏi nỗi lo mất mùa, thất bát vì lúa lạ, thứ hai là giữ vững được thương hiệu hạt gạo cánh đồng Mường Thanh nhiều năm gây dựng.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top