TP. Ðiện Biên Phủ

Siết chặt công tác quản lý thị trường

08:43 - Thứ Hai, 14/05/2018 Lượt xem: 8579 In bài viết
ĐBP - Những tháng gần đây có nhiều ngày nghỉ lễ dài, nhiều hoạt động lễ hội được tổ chức trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ. Khách du lịch đến tham quan đông nên hoạt động mua sắm, du lịch, vui chơi, giải trí diễn ra khá sôi động. Ðể tránh tình trạng tư thương, doanh nghiệp găm hàng, ép giá; lợi dụng những ngày lễ tung ra thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng, thì công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn được các đơn vị chức năng chú trọng và thắt chặt hơn, nên thị trường nhìn chung ổn định, không có biến động bất thường. Giá một số nhóm hàng hóa, dịch vụ ổn định. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không xảy ra diễn biến nổi cộm.

Dạo quanh các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố, điều dễ nhận thấy là hàng hóa khá phong phú, đa dạng về chủng loại, kiểu cách; tập trung nhiều nhất là hàng may mặc. Tuy nhiên, hàng hóa ở lĩnh vực này chủ yếu nhập từ Trung Quốc, mẫu mã đa dạng, giá bình dân, nhưng chất lượng thấp. Các loại thực phẩm sấy khô, như: Thịt lợn, trâu, bò, đồ rừng (mật ong, nấm ăn và nấm dược liệu; cây thuốc nam...) được các tiểu thương bày bán để phục vụ khách du lịch và người dân.

 

Cán bộ Ðội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ kiểm tra các hộ kinh doanh tại chợ Trung tâm 1.

Kiểm soát thị trường, không để các đối tượng lợi dụng lượng khách tăng đột biến mà trà trộn vào thị trường hàng kém chất lượng, tăng giá... Lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên. Tập trung kiểm tra, xử lý những vi phạm về giá, an toàn thực phẩm, việc chấp hành và tuân thủ các điều kiện trong kinh doanh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… Một mặt, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm, rượu, bia, sữa cho trẻ em, phân bón, thực phẩm chức năng.

Ông Lò Ngọc Minh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Mặc dù thời điểm này, trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ sôi nổi thu hút đông khách du lịch, nhưng nhìn chung, tình hình thị trường trên địa bàn tương đối ổn định. Các mặt hàng tiêu dùng phong phú, đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, hay tăng giá đột biến. Tuy nhiên, tình hình buôn bán hàng cấm, hàng lậu; các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn ra. Với các đợt cao điểm ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trong trong các dịp lễ, tết, “Tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm”, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng; thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất, thường niên nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quý I/2018, trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra gần 700 lượt cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính trên 50 vụ. Lỗi chủ yếu là buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, vi phạm về an toàn thực phẩm, vi phạm trong lĩnh vực giá... Buộc tiêu hủy tại chỗ tang vật hàng hóa quá hạn sử dụng gồm: bánh, kẹo, nước giải khát các loại. Tháng 4/2018, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra 50 lượt cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Phát hiện, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm là 1.000 que kem Trung Quốc, 2.000kg thịt trâu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thời gian tới, để tổ chức tốt nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu trước mùa mưa lũ như: Nước sạch, lương thực, thực phẩm, muối, đường, sữa, xăng, dầu… nếu xảy ra sự cố sẽ  không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, sốt giá. Ðội Quản lý thị trường số 1 bám sát kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Chi cục Quản lý thị trường, triển khai thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; nhất là đối với việc dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ mùa mưa lũ của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả. Ðặc biệt đơn vị chú trọng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, giá các mặt hàng; hoạt động bán hàng đa cấp, việc thực hiện các chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp…

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top