Thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất

Không nên quá kỳ vọng

08:53 - Thứ Tư, 23/05/2018 Lượt xem: 8756 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực hơn so với những năm trước. Năm 2016 lần đầu tiên thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt mốc hơn 1.000 tỷ đồng. Một trong những nguồn thu lớn, góp phần hoàn thành dự toán giao đó là thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất (QSDÐ). Theo đó, năm 2016 toàn tỉnh thu gần 128 tỷ đồng (chiếm 7,8% thu ngân sách của tỉnh) từ việc đấu giá, giao đất, cho thuê đất. Năm 2017, toàn tỉnh đã đấu giá 128 thửa, thu nộp ngân sách trên 60,7 tỷ đồng, chủ yếu trên địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Nậm Pồ, Ðiện Biên Ðông, Ðiện Biên, Mường Nhé và TP. Ðiện Biên Phủ.

 

Trường Mầm non Him Lam, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) một trong những lô đất được đấu giá quyền sử dụng đất để tăng thu ngân sách.

Xét ở mặt tích cực, thì đây là nguồn thu cao mà hầu hết các huyện, thị xã và thành phố đều mong đợi, góp phần hoàn thành dự toán giao. Tuy nhiên, xét về bản chất thì đây không phải là nguồn thu từ giá trị gia tăng, không bền vững. Cùng với đó, đất đai cũng là nguồn tài nguyên không thể sinh sôi, nảy nở mà sẽ giảm dần theo thời gian. Do vậy, về lâu dài, quỹ đất giảm dần sẽ khiến nguồn thu từ đất không còn duy trì được sự ổn định. Ðiển hình, năm 2018 Chi cục Thuế TP. Ðiện Biên Phủ được tỉnh giao thu 250 tỷ đồng; trong đó thu 52 tỷ đồng từ việc cấp và đấu giá QSDÐ. Ông Nguyễn Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Ðiện Biên Phủ, cho biết: Dự ước hết tháng 5/2018, sẽ thu được 90 tỷ đồng, chủ yếu nguồn thu từ lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh. Trong khi đó, một trong những nguồn thu chính từ việc đấu giá QSDÐ thì đến nay chưa thực hiện được. Nguyên nhân, bên cạnh vướng mắc liên quan đến thủ tục, thì việc các lô đất đấu giá chủ yếu nằm xen kẽ, diện tích nhỏ nên khó thực hiện đấu giá. Những lô đất rộng, đẹp thì đã đấu giá từ các năm trước. Hiện nay, có nhiều diện tích đất nằm dọc trục đường Hoàng Văn Thái - Khe Chít, có giá trị lên đến hơn 100 tỷ đồng nếu đấu giá thành công. Tuy nhiên dù đã đưa vào kế hoạch đấu giá QSDÐ từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Cũng theo ông Nguyễn Văn Khải, việc đấu giá QSDÐ mang lại nguồn thu lớn, tuy nhiên những năm gần đây diện tích đất được phê duyệt để đấu giá còn rất ít, nếu có thì diện tích nhỏ, nằm xen kẽ, dẫn đến công tác đấu giá gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, việc đấu giá QSDÐ ở các huyện được xem là nguồn thu chính trong những năm gần đây. Theo ông Trần Ðình Thanh, Chi cục phó Chi cục Thuế huyện Tuần Giáo: Trên địa bàn huyện có 2 nguồn thu chính là từ cho thuê, đấu giá QSDÐ và đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, đối với đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện những năm gần đây đã giảm, bởi thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ thắt chặt đầu tư công. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 50 doanh nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp đang hoạt động. Mặt khác, một số doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng hóa nên giảm doanh thu, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thua lỗ, sản xuất cầm chừng, dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế... ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách trên địa bàn. Còn đối với nguồn thu từ đấu giá QSDÐ thì ngày càng ít. Năm 2017, suốt cả năm, huyện không thực hiện được đấu giá đất, đến cuối năm mới thực hiện được một số lô, thửa, song giá trị cũng không cao.

Vẫn biết khi nội lực còn khó khăn thì phải dựa một phần vào nguồn thu từ đấu giá QSDÐ, nhưng cũng không vì thế mà quá chú trọng vào việc tạo quỹ đất để đấu giá nhằm tăng thu. Mà quan trọng hơn cần xác định nguồn thu nào là chính, ổn định, nguồn thu nào mang tính ngắn hạn, không ổn định để có cơ cấu nguồn thu và đầu tư hợp lý là nhiệm vụ quan trọng lâu dài và bền vững.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top