Người Hà Nhì coi rừng như báu vật

14:40 - Thứ Tư, 23/05/2018 Lượt xem: 8983 In bài viết
ĐBP - Trong khi ở nhiều địa phương những cánh rừng ngày một thu hẹp vì sự tàn phá của con người, thì ở Mường Nhé vẫn có những tộc người đang ra sức bảo vệ rừng, coi rừng như báu vật. Đó là cộng đồng người Hà Nhì ở xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé. Bởi với họ, rừng mang lại nhiều nguồn lợi để nuôi sống gia đình, cho con cháu được học hành. Không ít gia đình đời sống vật chất đang khá lên từng ngày nhờ các cánh rừng.

Chúng tôi đến bản Tả Ló San, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) khi bóng cây rừng đã đổ dài dưới lối đi. Dường như trưởng bản Lỳ Khò Chừ đã đợi từ rất lâu, xe chúng tôi vừa đến đầu con dốc ông đã vồn vã đón. Trong căn nhà mới, ông Chừ rót bát rượu ngô mời khách đường xa - một cách thể hiện sự mến khách của người Hà Nhì, rồi ông kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày gia đình mình và bà con dân bản giữ rừng và cả những khi họ chưa thể sống được từ rừng.

 

Người dân bản Tả Ló San đưa đoàn công tác Quỹ chi trả DVMT rừng và cán bộ huyện kiểm tra khu rừng do bản quản lý.

Đôi bàn tay dính đầy nhựa cây đen đúa run run cầm cọc tiền được bọc mấy lần túi bóng, ông Chừ khoe: “Đây là số tiền do cán bộ Quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng vừa thanh toán sáng nay đấy. Người Hà Nhì yêu rừng như như yêu cuộc sống của mình. Rừng che chở bao bọc bản làng tránh khỏi thiên tai, hạn hán, nay lại được Nhà nước trả công nên trong bản ai cũng mừng và giữ rừng như báu vật”.

Tả Ló San là bản xa nhất của xã Sen Thượng, cách Trung tâm xã khoảng 30km đường bộ. Cả bản có 19 nóc nhà đều là người Hà Nhì, được giao quản lý trên 2.700ha rừng. Theo bà Đặng Thị Thu Hiền, Phó giám đốc Phụ trách Quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thì Tả Ló San là bản có diện tích rừng được bảo vệ tốt nhất huyện Mường Nhé. Năm 2017, bản Tả Ló San nhận được khoảng 2,2 tỷ đồng từ Quỹ chi trả DVMTR.

Dân bản Tả Ló San từ lâu đã gắn bó với rừng, trân trọng những cánh rừng; nếu như những khu rừng của một số địa phương hoặc dân tộc khác ngày một thu hẹp bởi sự tàn phá và nạn di cư tự do, thì diện tích rừng của người Hà Nhì ở Tả Ló San vẫn luôn xanh tốt. Họ tuyệt nhiên không để bất cứ người lạ nào xâm chiếm đất rừng làm nơi cư trú. Với người dân Tả Ló San rừng là cuộc sống của họ. Hương ước bảo vệ rừng được dân bản đề ra, truyền từ đời này sang đời khác. Những đứa trẻ từ khi biết nhận thức đã được bố mẹ, ông bà truyền dạy những luật tục của dân tộc mình về ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Hàng tháng người dân trong bản cắt cử nhau đi tuần tra bảo vệ rừng, đề phòng kẻ xấu xâm phạm tài nguyên rừng. Vì vậy, bản Tả Ló San không có người di cư tự do đến, hiện tượng phá rừng làm nương lại càng hiếm xảy ra.

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh rừng đầu bản, ông Lỳ Khò Chừ, nói: “Đây là khu rừng từ thời ông cha để lại, chúng tôi gọi là rừng thiêng, ở đó có nhiều cây to, nhiều chim thú. Cứ tháng ba hàng năm, dân bản chúng tôi lại góp lợn, tổ chức lễ cúng rừng để tạ thần linh, thần rừng che chở cho bà con được mùa màng tươi tốt, con cháu được bình an, cuộc sống được ấm no, đủ đầy”. Tuy bản chưa có điện lưới quốc gia, nhưng từ khi được hưởng chính sách chi trả DVMTR, cuộc sống của bà con Tả Ló San đã thay đổi, chuyển biến rõ rệt, nhiều ngôi nhà được xây dựng kiên cố, chất lượng cuộc sống người dân ngày một nâng lên, an ninh trật tự được đảm bảo, tình làng nghĩa xóm đoàn kết sum vầy.

Trở lại trụ sở xã Sen Thượng, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Văn Triệu, cho hay: Hiện toàn xã quản lý trên 10.198ha rừng; năm 2017, số tiền được chi trả DVMTR của xã là 8,1 tỷ đồng, trong đó bản Tả Ló San nhận 1/4 số tiền được thụ hưởng và diện tích bảo vệ rừng của toàn xã. Nhiều năm nay, trên địa bàn xã Sen Thượng không xảy ra nạn phá rừng, cháy rừng. Có được kết quả đó là nhờ một phần rất lớn từ ý thức tự giác canh gác bảo vệ rừng của người dân. 

Tú Anh
Bình luận
Back To Top