Bước khởi đầu của nông nghiệp công nghệ cao

08:58 - Thứ Năm, 24/05/2018 Lượt xem: 9446 In bài viết
ĐBP - Sau hơn 3 năm thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, đã có những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực. Và lần đầu tiên, trong lĩnh vực ứng dụng khoa học, công nghệ, hỗ trợ sản xuất, khái niệm “nông nghiệp công nghệ cao” đã được áp dụng tại một số mô hình. Tuy nhiên, theo những người trực tiếp thực hiện mô hình này, để nông nghiệp công nghệ cao thực sự mang lại giá trị kinh tế cao còn nhiều việc phải làm...

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 3 năm triển khai Ðề án, trong lĩnh vực ứng dụng khoa học, công nghệ, hỗ trợ sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh đã duy trì và nhân rộng ứng dụng canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng, sạ lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên... trên địa bàn các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo và thành phố Ðiện Biên Phủ... Tổng diện tích ứng dụng trên 9.807,8ha (năm 2016 là 4.037ha; năm 2017 là 5.770,8ha). Ðồng thời, triển khai 17 mô hình trồng trọt, trong đó có 5 mô hình trồng cây ăn quả. Ðiển hình như mô hình ghép cải tạo nhãn đã thúc đẩy được phong trào cải tạo vườn tạp, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường. Một số mô hình đã sử dụng các giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, chịu hạn, năng suất cao, kết hợp làm thức ăn chăn nuôi như: Ngô lai NK7328, ngô nếp HN68...

 

Ðoàn công tác Ðại sứ quán Israel và tổ chức CARE thăm mô hình sản xuất rau, quả an toàn tại bản Bó, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên).

Các ngành chuyên môn đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất cà phê theo chứng nhận tiêu chuẩn UTZ (282 hộ tham gia) với diện tích 355,33ha, sản lượng 550 tấn/năm. Hỗ trợ khai hoang, phục hóa và tạo ruộng bậc thang cho trên 887 hộ với diện tích 551,26ha; hỗ trợ mua 1.497 dụng cụ và máy móc sản xuất nông nghiệp cho 2.952 hộ (Nghị quyết 30a). Hỗ trợ 17,68 tấn giống (lúa, ngô, đậu tương), 143.842 cây ăn quả các loại: Cam, bưởi, xoài, chanh... 29 tấn phân bón cho 4.074 hộ; hỗ trợ mua dụng cụ và máy móc sản xuất nông nghiệp cho 432 hộ (Chương trình 135).

Bước đầu đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như: Doanh nghiệp Tư nhân Hoa Ba sản xuất rau thủy canh hồi lưu trong nhà lưới công nghệ, quy mô khoảng 600m2, năng suất ước đạt 8 - 9 tấn/ha, sản lượng khoảng 70 tấn/năm. Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Ðiện Biên trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới, quy mô diện tích 3ha, năng suất trung bình đạt 18 tấn/ha/năm... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, làng nghề, doanh nghiệp và hợp tác xã trong lĩnh vực ngành nghề nông nghiệp, nông thôn tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản của tỉnh tại các hội chợ thương mại, trong và nước ngoài (13 hội chợ). Tổ chức trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương như: Hà Nội, Huế, Hà Giang, Yên Bái... và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Trong đó, chú trọng giới thiệu quảng bá các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh như: gạo Ðiện Biên, chè Shan tuyết, cà phê Mường Ảng, đông trùng hạ thảo; thịt trâu, lợn, bò hun khói sây khô... Thông qua đó giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tỉnh Ðiện Biên đến người tiêu dùng, các đối tác trong và ngoài nước.

Gần đây nhất, tỉnh đã phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Trồng cây ăn quả bằng công nghệ cao, kết hợp trồng rừng sản xuất tại xã Búng Lao, huyện Mường Ảng. Theo đó, với mục tiêu trồng các loại cây ăn quả (cam cara ruột đỏ, bưởi da xanh, quýt Ðài Loan) theo quy trình VietGAP, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt có bù áp của Israel để cung cấp ra thị trường những sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; trồng rừng sản xuất tại các vị trí không trồng được cây ăn quả trong vùng Dự án để tận dụng tài nguyên đất. Quy mô đầu tư gồm: trên 217,5ha trồng cây ăn quả công nghệ cao và 50ha trồng rừng sản xuất. Dự ước sản lượng của dự án đạt 1.000 tấn quả thành phẩm trong năm đầu thu hoạch, 2.000 tấn quả/năm trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, đầu tháng 1/2018, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao bản Mé tổ chức lễ ra mắt tại đội 11, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên). 52 thành viên hợp tác xã góp vốn với số vốn đăng ký ban đầu là 13,06 tỷ đồng. Hoạt động trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ sau thu hoạch; trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; trồng rau, đậu các loại và trồng hoa, cây cảnh an toàn, theo hướng công nghệ cao; chăn nuôi gia cầm theo hướng công nghệ cao; xử lý hạt giống để nhân giống; chế biến, bảo quản rau quả và bán buôn thực phẩm.

Chia sẻ với chúng tôi về quan điểm cá nhân cũng như những phương hướng, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chị Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Safe Green, Ðội 5, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) cho biết: Có thể nói, Safe Green - một trong những doanh nghiệp tiên phong trong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và hợp tác với nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn theo chuỗi ở Ðiện Biên. Hiện doanh nghiệp đã đầu tư trồng cà chua theo mô hình nhà lưới trên diện tích khoảng 1.000m2; trồng bưởi da xanh, ổi theo công nghệ tưới ngầm nhỏ giọt theo tiêu chuẩn của Israel. Trong quá trình triển khai,  ngành chuyên môn là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tạo điều kiện, hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như: hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ hạ tầng giới thiệu sản phẩm... Tuy nhiên, cũng phải chia sẻ thẳng thắn rằng: Ngoài ngành nông nghiệp ra, sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh nói chung và một số đơn vị chuyên môn chưa đáp ứng được nguyện vọng của Công ty. Ðơn cử như trong một buổi tọa đàm, mặc dù doanh nghiệp là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này, việc quảng bá thương hiệu cũng như các kênh thông tin báo chí đã nhắc đến Công ty nhiều, nhưng trong cuộc họp, đại diện đơn vị xúc tiến thương mại của tỉnh vẫn đặt câu hỏi: “Doanh nghiệp nông nghiệp nào mà tên toàn tiếng nước ngoài thế nhỉ? Chúng tôi chưa từng nghe đến!”. Hay như những vấn đề liên quan đến thủ tục, điều kiện hoạt động, mỗi lần tìm đến đơn vị có thẩm quyền trong lĩnh vực chứng nhận là... “chết đứng”. Nhiều lúc bi quan tôi nghĩ: Phải chăng ngoài những người làm nông nghiệp chúng tôi ra thì chẳng còn ai quan tâm cả. Và nếu cứ như thế này thì “công nghệ cao” bao giờ mới là cuộc cách mạng mang tính toàn dân?

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top