Bước đột phá từ chủ động hội nhập

15:01 - Thứ Năm, 24/05/2018 Lượt xem: 8804 In bài viết
Có thể nói, năm 1988 là bước ngoặt rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam khi chính thức mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đây là sự đột phá thể hiện tư duy và quyết tâm đổi mới, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Qua 30 năm, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, trực tiếp tạo ra hơn 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, hơn 2 triệu việc làm trực tiếp và đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng GDP hằng năm...

Những đóng góp ấn tượng

Bằng việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài cuối năm 1987, Việt Nam bắt đầu triển khai hoạt động thu hút vốn nước ngoài, với những đối tác tiên phong đến từ khu vực Châu Á như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản... Đến nay, cả nước đã thu hút khoảng 25 nghìn dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD; trong đó số vốn đã giải ngân đạt 172 tỷ USD. Thông qua quá trình vận hành các dự án, Việt Nam có thêm cơ hội tiếp nhận, ứng dụng một số công nghệ, kỹ thuật hiện đại bên cạnh phương thức quản lý tiên tiến.

 

Sản xuất linh kiện điện tử tại công ty TNHH Noble (khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội).

Qua thời gian, doanh nghiệp đến từ các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới đã triển khai nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các tên tuổi lớn, dày kinh nghiệm và vốn như Toyota, LG, Samsung, Cocacola... Những đơn vị này đã xác định mục tiêu hiện diện lâu dài tại Việt Nam, trên cơ sở tận dụng chính sách mở cửa thông thoáng của Chính phủ, đội ngũ lao động dồi dào và vị trí địa lý dễ dàng cho vận tải hàng hóa xuất khẩu. 

Đáng lưu ý, đến nay khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế; đặc biệt, Công ty Samsung đạt kim ngạch xuất khẩu 50 tỷ USD - chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng góp 25% tổng đầu tư xã hội và tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng cùng sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn những dự án sẽ được cấp phép. Hơn nữa, với đặc điểm luôn xuất siêu nên khu vực đầu tư nước ngoài đã liên tục bù đắp cho thực trạng nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước. Thực tế, một số mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng, có hàm lượng cao công nghệ cao đều do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất như điện thoại thông minh, ống kính quang học, dụng cụ cơ khí chính xác...

Thông qua hàng chục nghìn dự án đầu tư nước ngoài cụ thể, trình độ, năng lực quản lý, tay nghề của lao động trong nước được nâng lên và từng bước làm chủ các dây chuyền sản xuất, thiết bị hiện đại. Ngoài ra, thông qua việc thu hút và quản lý nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương đã có điều kiện tích lũy kinh nghiệm; làm chủ các tình huống, vấn đề liên quan theo hướng nhất quán về chủ trương nhưng vẫn phù hợp với thông lệ, pháp luật quốc tế. 

Hoạt động của các dự án đầu tư nước ngoài còn tạo ra mối liên kết, lôi cuốn sự tham gia và hợp tác của nhiều doanh nghiệp nội; tạo điều kiện để doanh nghiệp nội trở thành vệ tinh cung cấp linh kiện hoặc nguyên liệu đầu vào...

Nhận diện và khắc phục tồn tại

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mại - người gắn bó với hoạt động đầu tư nước ngoài từ những ngày đầu, không thể phủ nhận vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và những đóng góp to lớn của khu vực kinh tế này. Sự xuất hiện của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã “kéo” nền kinh tế Việt Nam gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường thế giới...

Song, thực tế cũng bộc lộ một số hạn chế do chính các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài gây ra. Chúng ta hẳn chưa thể quên bài học ô nhiễm môi trường trầm trọng tại sông Thị Vải do Công ty Vedan và sự cố môi trường biển miền Trung do Công ty Formosa gây ra. Dù hậu quả đã được xử lý và đưa vào tầm kiểm soát nhưng sự cảnh báo luôn hiện diện. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam xác định mục tiêu lựa chọn và khuyến khích thu hút những dự án có công nghệ cao, hiện đại, với mức lan tỏa rộng. Ngược lại, kiên quyết từ chối những dự án thâm dụng tài nguyên, công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng cũng như có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 

Ngoài ra, hiện tượng trốn thuế, chuyển giá chưa được phát hiện nhằm xử lý triệt để, từ đó gây thiệt hại cho ngân sách cũng như tác động tiêu cực về tâm lý và uy tín của môi trường đầu tư nói chung... Hiện, một số ít doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn vi phạm về quy định đóng bảo hiểm, chậm trả lương, hoặc “xù” lương của người lao động, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký hoạt động, gây bức xúc trong dư luận. 

Cũng có không ít dự án, kể cả dự án quy mô lớn (vốn từ 1 tỷ USD trở lên) đã đăng ký nhưng chỉ “nhận phần” rồi “ngủ quên” dù được đôn đốc nhiều lần. Thực tế này gây xáo trộn tình hình, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý trên địa bàn, gây dư luận không tốt với cộng đồng.

Trước thực trạng trên, những năm qua, một số tỉnh đã kiên quyết xử lý, quyết định thu hồi giấy phép nhằm “gạn đục, khơi trong”. Đơn cử, UBND tỉnh Phú Yên vừa rút giấy phép của dự án lọc hóa dầu Vũng Rô trị giá 3,2 tỷ USD vì không triển khai. Đó là sự tỉnh táo và quyết định cần thiết, vì lợi ích chung cũng như tỏ rõ quan điểm minh bạch, công bằng trong thu hút đầu tư; nhất là tạo cơ hội tham gia cho nhà đầu tư nghiêm túc thực hiện đầy đủ cam kết.

30 năm mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa phải là quá dài, nhưng đủ để nhìn lại nhằm xác định mặt được, qua đó nhân lên, cũng như nhận diện hạn chế, tồn tại để khắc phục.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top