Xóa nghèo từ trong ý thức

10:14 - Thứ Hai, 28/05/2018 Lượt xem: 8352 In bài viết
ĐBP - Theo kết quả mới nhất về tổng điều tra hộ nghèo năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh là 41,01% (chuẩn nghèo đa chiều). Nguyên nhân dẫn đến đói nghèo có nhiều, như: Thất nghiệp, thiếu việc làm, không tư liệu sản xuất, thiếu vốn đầu tư, lười lao động... Tuy nhiên, đi sâu phân tích thì nguyên nhân chủ quan cơ bản dẫn đến đói nghèo là do một bộ phận dân cư thường trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà không tự vươn lên thoát nghèo.

 

Người dân xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước.

Vừa qua, Ban Dân tộc HÐND tỉnh đã giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tại một số xã, huyện trên địa bàn tỉnh. Qua thực tế giám sát cho thấy, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn một số xã, huyện thực sự nan giải. Những số liệu báo cáo khiến người nghe không khỏi nhói lòng, khi có thôn, bản 100% hộ nghèo, các xã đặc biệt khó khăn có trên 60% hộ nghèo.... Trong khi đó hàng năm, ngân sách tỉnh, Trung ương “rót” về để xóa nghèo lên tới hàng trăm tỉ đồng. Ðó là chưa kể sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị và các nhà hảo tâm. Theo thống kê mới nhất của UBND tỉnh công bố ngày 22/2/2018, năm 2017 toàn tỉnh còn 51.188 hộ nghèo; trong đó chủ yếu là số hộ nghèo về thu nhập là 50.170 hộ, còn 1.018 hộ nghèo do thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản. Một câu hỏi đặt ra, liệu nguồn vốn đầu tư cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh ta còn quá ít hay công tác triển khai chưa phù hợp nên chưa phát huy hiệu quả?.

Phải khẳng định rằng, hàng năm nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh ta không phải ít. Theo Nghị quyết 32/NQ-HÐND tỉnh ngày 14/10/2016 của HÐND tỉnh khóa XIV về chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh hơn 19.000 tỷ đồng, được lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án trên địa bàn tỉnh và nguồn vốn tín dụng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, trung bình mỗi năm được gần 4.000 tỷ đồng, để cho 10 huyện, thị xã và thành phố, đặc biệt đối với 5 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ để thực hiện công tác giảm nghèo. Thế nhưng, thực tế công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân cốt lõi khiến cho công tác xóa nghèo gặp khó chính là ý thức của người dân với tâm lý ỷ lại đã “ăn sâu, bám rễ”. Có người từng chia sẻ rằng làm hộ nghèo họ được khám bệnh phát thuốc miễn phí, rồi được cho bò, hỗ trợ giống cây và cho tiền... nên không muốn thoát nghèo. Chính suy nghĩ ấy ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xóa nghèo chứ không hoàn toàn do chính sách hỗ trợ không hiệu quả.

Như trường hợp gia đình anh Sùng A Sinh, thôn Loọng Phạ, xã Mường Ðun (huyện Tủa Chùa). Năm 2016, từ nguồn vốn Chương trình 135/CP của Chính phủ, gia đình anh Sinh được hỗ trợ 45 con gà lai chọi và được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi. Theo đánh giá, hiệu quả kinh tế của mô hình đem lại rất cao, tuy nhiên, sau khi mô hình kết thúc thì gia đình anh Sinh cũng không tiếp tục nhân rộng, duy trì mô hình nuôi gà. Lý do mà anh Sinh đưa ra là thiếu vốn, không có tiền mua thức ăn, thuốc tiêm phòng... vì vậy không thể nhân rộng được mô hình. Hay như ở bản Thèn Pả, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) nơi sinh sống của hơn 60 hộ dân tộc Xạ Phang. Mặc dù hàng năm, bà con ở đây vẫn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, giống cây trồng, vật nuôi; được định hướng, vận động phát triển kinh tế... nhưng vẫn kém phát triển do trình độ dân trí hạn chế, người dân ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Dù bà con đã được trực tiếp tham gia các mô hình hỗ trợ sinh kế, tuy nhiên ngay sau khi mô hình trình diễn kết thúc bà con không tiếp tục thực hiện mà lại chờ đợt hỗ trợ khác. Ông Si A Vần, Trưởng bản Thèn Pả, chia sẻ: Cả bản hầu hết đều là hộ nghèo. Chỉ có một số hộ tu chí làm ăn, phấn đấu thoát khỏi cảnh đói nghèo, còn lại nhiều hộ vẫn mong chờ Nhà nước tiếp tục hỗ trợ.

Năm 2018, mục tiêu của tỉnh ta giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 41,01% xuống còn 38,10% và xa hơn nữa đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 33%. Ðể đạt được mục tiêu này thì công tác giảm nghèo không hề đơn giản. Bởi từ thực tiễn cho thấy với chính sách giảm nghèo như hiện nay thì dù có hàng trăm hay hàng nghìn dự án, chương trình giúp người nghèo đi chăng nữa, nhưng nếu không có ý thức và sự cam kết vươn lên của người nghèo thì chính sách, chương trình vẫn mãi chỉ là hỗ trợ người nghèo, còn người nghèo thì vẫn mãi nghèo. Do đó, muốn giảm nghèo thành công, giảm nghèo bền vững thì giải pháp căn cơ phải khơi dậy được ý thức vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân để họ thực sự là những người chủ của chính cuộc đời mình; không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top