Nâng cao chất lượng hàng nông sản

10:18 - Thứ Hai, 28/05/2018 Lượt xem: 8940 In bài viết
ĐBP - Chất lượng nông sản thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và tính lỏng lẻo trong liên kết sản xuất... là những nguyên nhân khiến hàng nông sản trên địa bàn tỉnh kém sức cạnh tranh. Vì vậy, để hàng nông sản có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định tập trung nâng cao chất lượng nông sản và tăng cường mối liên kết theo chuỗi giá trị nông sản, mở rộng quy mô sản xuất...

Ðiện Biên là tỉnh miền núi, sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ đạo, mỗi năm trên địa bàn có hàng triệu tấn nông sản được người dân sản xuất với đủ loại, như: lúa, ngô, đậu tương, dứa, chè và sản phẩm chăn nuôi... Tuy nhiên, thực tế nông sản làm ra lại chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, chỉ có một số mặt hàng “vươn” ra được ngoài tỉnh, như gạo, dứa nhưng cũng chủ yếu thông qua các tiểu thương. Hơn nữa, việc kết nối giữa một số đơn vị sản xuất nông sản và đơn vị tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu để sản phẩm có thể lưu thông theo chuỗi và có sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị chức năng.

 

Hiện nay, hầu hết nông sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, ít quan tâm đến chất lượng, nên chưa có sức cạnh tranh trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Ðể hàng nông sản của Ðiện Biên có chỗ đứng trên thị trường, trước hết người sản xuất phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng hàng hóa. Những năm qua ngành Nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từ đó thu hút được một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản với người dân, góp phần tạo thị trường ổn định cho nông sản. Ðến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và xác nhận 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các hộ dân cho các sản phẩm: rau, củ, quả tươi; chè Shan tuyết; cà phê; bánh khẩu xén; thịt trâu, bò khô; cá tầm, cá hồi; gạo Bắc thơm số 7; dứa. Năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản đã triển khai mô hình trồng dứa theo chuỗi cung ứng dứa an toàn tại Mường Chà. Theo đó, Hợp tác xã Na Sang (Mường Chà) là đơn vị thực hiện liên kết với 54 hộ dân tham gia, với quy mô hơn 60ha. Ðến nay, quả dứa thuộc Hợp tác xã Na Sang đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản cấp giấy chứng nhận sản phẩm dứa đạt chất lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Ông Lê Thanh Tâm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Na Sang, cho biết: Khi chưa tham gia mô hình chuỗi liên kết sản xuất cung ứng sản phẩm an toàn, sản phẩm dứa Mường Chà chủ yếu cung cấp thị trường trong tỉnh. Tuy nhiên, từ khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất cung ứng sản phẩm an toàn, đến nay sản phẩm dứa không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà các tỉnh lân cận cũng đặt mua, như Sơn La, Lai Châu, Hà Nội... Ðặc biệt, gần đây nhất sản phẩm dứa Mường Chà đã được Công ty Thạch rau câu Long Hải thu mua.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, ngoài tập trung thực hiện tốt việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, thời gian qua Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm thông qua các ngày lễ lớn, như Lễ hội Hoa Ban để tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm nông sản để giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn tới tay người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cũng như khách du lịch. Qua đó, một số đơn vị đã tìm kiếm được thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản ổn định. Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại một số tỉnh, thành phố tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm nông sản của Ðiện Biên đến thị trường ngoài tỉnh. Ðiển hình, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội giúp các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản của tỉnh kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị ở Hà Nội để hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản có chất lượng tại thị trường Hà Nội. Thông qua các buổi hội thảo đã giúp doanh nghiệp địa phương cũng như cơ quan quản lý Nhà nước có kinh nghiệm trong định hướng sản xuất, xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, mở ra các cơ hội hợp tác lâu dài, bền vững. Ðặc biệt, qua đó đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến của tỉnh đã được các doanh nghiệp Hà Nội lựa chọn để ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn. Sau khi ký kết biên bản ghi nhớ các doanh nghiệp đã trao đổi để hoàn thiện các thủ tục đưa nông sản Ðiện Biên đến với người tiêu dùng Hà Nội thông qua một số kênh phân phối tại Hà Nội, như sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa; cà phê Mường Ảng; gạo tám; thịt trâu, bò khô an toàn...; đồng thời duy trì 1 điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn, đặc sản của Ðiện Biên tại Hà Nội.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top