Rà soát lại để hạn chế thất thoát vốn Nhà nước

09:01 - Thứ Ba, 29/05/2018 Lượt xem: 8605 In bài viết
Thất thoát vốn Nhà nước từ đầu tư ra nước ngoài, từ định giá đất đai không sát với thị trường, cách đánh giá hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thực hiện các nhiệm vụ xã hội, chính sách… là những vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến trong buổi thảo luận sáng 28-5 tại hội trường.

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Các đại biểu thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

 

Các đại biểu làm việc tại hội trường.

Bảo toàn nguồn vốn Nhà nước trong đầu tư ra nước ngoài

Một trong những vấn đề mà nhiều đại biểu đề cập đến trong buổi thảo luận tại hội trường là việc thất thoát vốn Nhà nước khi các DNNN đầu tư ra nước ngoài bị thua lỗ.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho biết: “Báo cáo Chính phủ trang 28 tính đến 31-12-2016 đã có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư tại 110 dự án tổng vốn đầu tư đã thực hiện hơn 7 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò, khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản, trong đó 15,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế, 46,6% dự án không có báo cáo doanh thu lợi nhuận. Chỉ riêng năm 2016 lợi nhuận được chia cho Việt Nam là 145 triệu USD”. Đại biểu cho rằng nội dung này của báo cáo còn tương đối đơn giản, chưa lột tả được bức tranh tổng thể đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, đề nghị báo cáo cần làm rõ dự án thuộc ngành, lĩnh vực nào lỗ, hòa vốn, lãi, các quốc gia, doanh nghiệp đã đầu tư, hạn chế vướng mắc và nguyên nhân của việc lỗ.

Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần rà soát, tổng kết vấn đề này để đánh giá thực chất hơn, đưa ra các giải pháp xử lý, cơ cấu lại đối với những dự án đầu tư kém hiệu quả theo hướng bán, chuyển nhượng, trong đó cần chú ý đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời, vướng mắc cho doanh nghiệp, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư đối với một số dự án quan trọng mang tính chiến lược.

Cần có phương thức đánh giá phù hợp đối với DNNN

Trong buổi thảo luận, một số đại biểu đã đề cập đến việc DNNN hoạt động chưa hiệu quả do phải gánh vác nhiệm vụ chính sách, xã hội hoặc kinh doanh tại các lĩnh vực mà các loại hình doanh nghiệp khác không đầu tư, kinh doanh, cho nên cần tách bạch nhiệm vụ chính sách, xã hội với nhiệm vụ kinh doanh, hoặc có phương thức đánh giá phù hợp để DN bình đẳng cạnh tranh trên thị trường.

 

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ - ảnh trên) cho rằng, theo chủ trương nhất quán của Đảng, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là lực lượng then chốt của nền kinh tế cả nước, góp phần thúc đẩy kinh tế và công bằng xã hội, do đó cần một lực lượng vốn nhất định. Ngoài lượng vốn mà các DNNN trong các lĩnh vực then chốt đang nắm giữ, cũng cần bổ sung thêm để duy trì tỷ lệ vốn góp để đầu tư mở rộng hoặc thành lập mới. Vì vậy với tiền thu được từ thoái vốn cổ phần hóa, cần tính toán số vốn phải dành riêng để duy trì và phát triển DNNN theo đúng chủ trương của Đảng. Vì vậy cần phải tính toán từ bây giờ, tránh tình trạng tiền thu được sử dụng cho đầu tư hoặc các nhiệm vụ khác, khi cần để phát triển các DNNN thì lại không thu xếp được vốn.

Đại biểu cho rằng, cần nhận thức việc thực hiện chủ trương thoái vốn, cổ phần hóa thực chất là quá trình cơ cấu lại danh mục đã đầu tư của Nhà nước, với mục tiêu là thu hồi vốn đã đầu tư vào các doanh nghiệp khu vực không then chốt thiết yếu để chuyển sang đầu tư vào khu vực then chốt, thiết yếu. Mục tiêu đầu tư kinh doanh của các DN có vốn Nhà nước cần bảo đảm đúng chủ trương của Đảng là tập trung vào những lĩnh vực then chốt thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh, những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Vì thế cho nên Chính phủ cần có chính sách, phương thức đánh giá phù hợp với các doanh nghiệp này.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng việc không tách bạch giữa làm kinh doanh với làm công việc chính sách xã hội đã tạo gánh nặng cho DNNN trong việc phải lo gánh vác nhiệm vụ công ích, nhiệm vụ xã hội nặng nề hơn so với các doanh nghiệp khác. Như vậy không đánh giá được đầy đủ thực sự hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại biểu cũng đề nghị tách bạch cho rõ phần nhiệm vụ chính sách xã hội trong hoạt động kinh doanh của Nhà nước, một mặt để DN bình đẳng cạnh tranh trên thị trường, mặt khác công khai hóa nhiệm vụ riêng để các loại hình doanh nghiệp khác cùng chia sẻ.

Thất thoát vốn từ đất đai

Đất đai trước cổ phần hóa luôn là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi trong thời gian qua, nhiều DNNN đã bị định giá đất rất thấp, dẫn tới thất thoát nguồn vốn của Nhà nước, thậm chí còn có tình trạng "bắt tay nhau" định giá đất trước cổ phần hóa...

 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội - ảnh trên) chia sẻ: “Thất thoát tài sản Nhà nước liên quan phổ biến đến đất đai trong thời gian vừa qua, khi chuyển đất công thành đất tư không qua đấu thầu mà chỉ định giá trực tiếp hoặc không thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai, mà chủ yếu sử dụng bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định, điều này làm cho giá đất thấp hơn”. Đại biểu cho rằng, ở đây, trong việc định giá đất đai ngoài trách nhiệm của tổ chức cổ phần hóa, thì còn có trách nhiệm của UBND, hay cơ quan quản lý về đất đai cấp tỉnh trong việc xác định theo Luật đất đai.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cũng bày tỏ bức xúc về vấn đề này: ”Việc quản lý đất đai khi và sau khi cổ phần hóa còn nhiều thiếu sót, không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa đối với những vị trí đất đắc địa, có giá trị thường cao, còn bất cập, thiếu minh bạch, tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân có liên quan trục lợi gây thất thoát vốn, tài sản của nhà nước. Nhiều cổ đông tham gia mua cổ phiếu nhiều doanh nghiệp trái ngành, thâu tóm các doanh nghiệp khi cổ phần hóa, ta cũng không loại trừ động cơ họ chờ cơ hội để được hưởng lợi lớn từ những mảnh đất vàng của các doanh nghiệp được cổ phần hóa”.

 

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang).

Các đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm rà soát và thu hồi những diện tích đất doanh nghiệp sử dụng chưa phù hợp, không đúng quy hoạch, đồng thời chấn chỉnh cách tính giá thuê đất một cách khẩn trương, minh bạch, mạnh mẽ để giải quyết có hiệu quả tồn tại vấn đề đất đai trước khi cổ phần hóa hiện nay gây thất thoát và gây bức xúc trong dân.

Giải trình về một số các vấn đề các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã làm rõ thêm những nguyên nhân cơ bản còn tồn tại, hạn chế trong hiệu quả hoạt động của các DNNN, trong đó có sự chồng chéo, lẫn lộn giữa quản lý nhà nước, tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" khi các cơ quan quản lý nhà nước vừa xây dựng, thẩm định và cũng phê duyệt luôn hàng loạt chủ trương lớn trong phát triển các lĩnh vực kinh tế ngành cũng như các quy hoạch và các chiến lược. "Chúng tôi cũng xác định những nội dung lớn cần tập trung trong thời gian tới của ngành công thương là cần phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện những chỉ đạo của nhà nước đặc biệt là cả về mặt thể chế và pháp lý để chúng ta hoàn thiện cơ chế quản lý trong đó vai trò phân định rạch ròi, rõ ràng giữa quản lý của nhà nước với quản trị và chủ quản của các doanh nghiệp" - Bộ trưởng nói.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top