Bất cập thực hiện chính sách hỗ trợ nông, lâm nghiệp và thủy sản

08:56 - Thứ Năm, 31/05/2018 Lượt xem: 10482 In bài viết

Kỳ 1: Khó hay chưa thực hiện?

ĐBP - Với mong muốn góp phần nâng cao đời sống người dân, ngày 13/12/2013 HÐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 322/2013/NQ-HÐND về chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2017, với 15 nội dung hỗ trợ. Tuy nhiên, qua thực tế giám sát tại một số địa phương, cho thấy hầu hết các huyện, thị xã và thành phố chỉ thực hiện được từ 4 - 6 nội dung. Ðiều đó không chỉ gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước mà còn nảy sinh những hệ lụy trong quá trình triển khai thực hiện.

Căn cứ Nghị quyết 322 của HÐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 02/2014/QÐ-UBND ngày 13/3/2014 về chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2017. Mục đích của chính sách nhằm hỗ trợ một phần kinh phí sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận với các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; được áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Theo đó, chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản, gồm 15 nội dung: Hỗ trợ giống cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày; phát triển nấm thương phẩm; phát triển cây cà phê trong vùng quy hoạch; chè cây cao (chè tuyết shan); cây cao su tiểu điền; cây ăn quả; chăn nuôi trâu, bò; chăn nuôi lợn; gia cầm; tập huấn kỹ thuật; bảo vệ thực vật; hỗ trợ thú ý; nuôi trồng thủy sản; cây phân tán và hỗ trợ gia đình, cá nhân tham gia góp đất với doanh nghiệp để trồng rừng sản xuất.

 

Ðoàn giám sát Ban Dân tộc (HÐND) tỉnh thăm mô hình trồng keo tại xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo).

Tuy nhiên, qua rà soát, thống kê sau 4 năm triển khai, tất cả các huyện, thị xã và thành phố đều không thực hiện được hết 15 nội dung trên. Huyện đạt tỷ lệ cao nhất chỉ được 6 nội dung, song chủ yếu là những nội dung dễ, như: Hỗ trợ giống cây ăn quả; cây phân tán; công tác tập huấn; còn những nội dung khó, như hỗ trợ chăn nuôi lợn, trâu, bò… không nơi nào thực hiện được. Ðơn cử như tại huyện Mường Nhé, từ năm 2014 - 2017 được phân bổ 3,8 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ thực hiện được 4/15 nội dung đề ra, gồm: Hỗ trợ giống cây trồng 32.544kg giống ngô, lúa và đậu tương; 39.000 giống cây trồng phân tán các loại; gần 144.000 liều vắc xin cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ nuôi thủy sản 175.000 nghìn con cá giống các loại. Tương tự, huyện Tuần Giáo được phân bổ 13 tỷ đồng nhưng cũng chỉ thực hiện được 5/15 nội dung đề ra; trong đó chủ yếu là các nội dung dễ thực hiện, như: Hỗ trợ giống cây lương thực; phát triển các loại cây trồng trong vùng quy hoạch như cao su, cà phê; trồng cây phân tán, trồng rừng sản xuất; hỗ trợ chăn nuôi (tiêm phòng vắc xin, phun phòng hóa chất) và thú y. Ðối với các huyện việc triển khai chính sách gặp nhiều khó khăn là một chuyện, thế nhưng ngay cả với TP. Ðiện Biên Phủ - nơi có điều kiện thuận lợi nhất cũng không khả quan hơn được phân bổ gần 2 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ thực hiện được 6 nội dung. Theo báo cáo của ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND TP. Ðiện Biên Phủ: Thực hiện chính sách, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp với UBND các xã, phường tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện. Ðồng thời, phối hợp với Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên thực hiện đảm bảo đúng định mức, đối tượng hỗ trợ và kịp mùa vụ sản xuất cho nhân dân. Tuy nhiên, thành phố chỉ thực hiện được 6 nội dung, như: hỗ trợ giống cây trồng (ngô, đậu tương, lúa) cho 4.134 lượt hộ dân; vận động nhân dân trồng gần 96ha cao su; triển khai trồng 17.500 cây phân tán; hỗ trợ tiêm phòng trong chăn nuôi; hỗ trợ phối giống và công phối giống trong chăn nuôi trâu, bò; hỗ trợ bằng tiền mặt cho 66 hộ dân và tập thể góp đất trồng cao su với tổng diện tích gần 35ha. Không chỉ có huyện Mường Nhé, Tuần Giáo và TP. Ðiện Biên Phủ, mà các huyện, thị xã khác đều không thực hiện được hết các nội dung trên. Một câu hỏi đặt ra, phải chăng các nội dung khác khó thực hiện quá hay do công tác triển khai của huyện, thị xã và thành phố chưa phù hợp nên chưa phát huy hiệu quả?.

Qua các buổi giám sát của Ban Dân tộc (HÐND tỉnh), lý do các huyện cho rằng, một số nội dung hỗ trợ chưa phù hợp với thực tiễn địa phương; định mức hỗ trợ thấp, không quá 10% diện tích nên lượng giống cây trồng được hỗ trợ quá ít. Trung bình một hộ dân nhận hỗ trợ từ 0,3 - 0,7kg giống ngô trợ giá 30% trong 1 vụ sản xuất ngô nương; từ 4 - 5kg thóc giống trợ giá 30%/vụ sản xuất… nên khó thực hiện. Hay theo quy định tiền công hỗ trợ người thực hiện phun phòng thú y rất thấp, cụ thể 50.000 đồng/1.500m2 đối với hộ chỉ nuôi gia cầm; 50.000 đồng/2.000m2 đối với hộ nuôi gia súc. Trong khi trên địa bàn tỉnh chủ yếu chăn là nuôi nhỏ lẻ, phân tán, vì vậy việc triển khai phun phòng ở cơ sở gặp khó khăn, do không thể huy động được người tham gia phun phòng…

Tuy nhiên, khi đi sâu vào phân tích, hầu hết các thành viên đoàn giám sát cho rằng, việc chủ quan của cơ quan chuyên môn các cấp, đặc biệt cấp xã là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách. Tại buổi làm việc với UBND huyện Tuần Giáo, bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: “Thông báo giá của Sở Tài chính hàng năm chậm, dẫn đến một số nội dung hỗ trợ như chăn nuôi lợn, gia cầm… không thực hiện được, vì huyện phải căn cứ vào thông báo giá đó để xây dựng kế hoạch. Ví dụ, muốn thực hiện được nội dung hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn cho năm 2019 thì huyện phải làm kế hoạch từ quý II/2018 mới kịp, trong khi đó chưa có thông báo giá thì không thể xây dựng kế hoạch được”. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận được phản ánh của người dân là nhiều nội dung huyện Tuần Giáo chưa triển khai đến người dân, như: Hỗ trợ chăn nuôi lợn; phát triển đàn trâu, bò... Trong khi Ðiều 21 của Quyết định 02 quy định: UBND các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ tại quy định này đến người dân, tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Ông Cà Văn Lả, Chủ tịch UBND xã Quài Tở, thừa nhận: Thực tế công tác tuyên truyền chính sách chưa đáp ứng nhu cầu người dân; việc phối hợp giữa cán bộ chuyên môn với các phòng ban và trưởng bản trong việc khảo sát, lựa chọn, thẩm định mô hình sản xuất còn hạn chế.

Và ngay cả đến cấp xã - đơn vị trực tiếp thực hiện chính sách còn tỏ ra lúng túng, mơ hồ, thậm chí còn không biết đến chính sách này là gì. Sự việc trên diễn ra tại xã Mường Toong (huyện Mường Nhé). Khi đoàn giám sát yêu cầu báo cáo về việc thực hiện Quyết định 02 thì lãnh đạo xã Mường Toong lại cáo cáo việc thực hiện Nghị quyết 30a, Chương trình 135 và xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, tại Báo cáo số 28/BC-UBND ngày 9/5/2018 của UBND xã Mường Toong do ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong ký với tiêu đề: Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 322/2013/NQ-HÐND, ngày 13/12/2013 của HÐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2014 - 2017. Theo báo cáo, xã Mường Toong thực hiện hỗ trợ hơn 2.000kg giống ngô các loại; đậu tương gần 1.700kg; 1.255 cây trồng phân tán; 30.000 con cá giống các loại cho các hộ dân… Với tổng kinh phí đã thực hiện là hơn 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tất cả những con số trên cũng như nguồn vốn thực hiện lại không hề liên quan đến Quyết định 02. Là người đứng đầu xã nhưng ông Dũng cũng không biết xã mình thuộc khu vực I, II hay III. Chính vì thế, mới có chuyện mặc dù là xã thuộc khu vực III nhưng ông Dũng lại đề xuất kiến nghị những nội dung liên quan đến xã thuộc khu vực I. Lý giải vấn đề trên, ông Lù Văn Dũng viện cớ do mới giữ chức vụ chủ tịch UBND nên không nắm hết được các chương trình dự án hỗ trợ, vì vậy không thực hiện được các nội dung hỗ trợ theo Quyết định 02.

Cũng qua giám sát cho thấy, trong suốt thời gian triển khai chính sách chưa có địa phương nào thực hiện công tác thanh, kiểm tra. Ðiều này phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai chính sách, khiến người nghèo mất đi cơ hội giảm nghèo.

Kỳ 2: Chưa đúng nguyện vọng người thụ hưởng

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top