Nông dân Mường Phăng phát triển cây ôn đới

09:07 - Thứ Hai, 04/06/2018 Lượt xem: 10184 In bài viết
ĐBP - Xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên có diện tích tự nhiên 6.928ha trong đó diện tích đất sản xuất lúa có hơn 250ha, diện tích còn lại là đất rừng và đất sản xuất lâm nghiệp; khí hậu thích hợp cho việc trồng các loại cây ăn quả ôn đới như: Hồng, lê (mắc coọc), đào và mận. Ðể khai thác tối đa lợi thế, những năm qua, cấp uỷ, chính quyền, Hội Nông dân xã Mường Phăng đã tập trung nguồn lực, vận động nhân dân phát triển các loài cây ăn quả này.

Năm 2004 giống đào chín sớm (đào Pháp) được trồng khảo nghiệm tại xã Mường Phăng. Qua hơn 10 năm trồng tại Mường Phăng cho thấy, giống đào phù hợp với khí hậu nơi đây. Hầu hết các cây sau 2 năm trồng đều ra hoa, đậu quả, năng suất khá ổn định. Thời gian ra hoa tập trung vào cuối tháng 12, đầu tháng 1, thu hoạch vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, sớm hơn các giống đào địa phương từ 1,5 đến 2 tháng nên giá bán thường cao hơn.

Thăm vườn đào của gia đình ông Lò Văn Tình ở bản Khá, ông cho biết: Những năm trước diện tích vườn đồi của gia đình ông chỉ trồng chuối, ổi và một số loại cây khác năng suất không cao. Năm 2004 nhờ sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã và Sở Khoa học - Công nghệ ông nhận trồng 500 cây đào Pháp trên 1,2 ha vườn đồi. Ðến năm 2006 bắt đầu cho thu hoạch, năng suất luôn ổn định 25 - 30kg/cây. Tổng sản lượng cả vườn đạt trung bình từ 2,5 - 2,6 tấn/năm. Theo giá hiện nay, gia đình ông đang bán với giá 25.000 đồng/kg tại vườn, thì trồng đào cho doanh thu từ 50 - 60 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí lãi từ 45 - 50 triệu đồng/ha. Với mức thu này, ít có loại cây trồng nào ở vùng cao sánh kịp. Hơn nữa, đào là loại cây trồng lâu năm, trồng một lần nếu được chăm bón tốt có thể thu được trong vòng 20 năm sau đó mới phải trồng lại.

Cùng với phát triển cây đào Pháp, trong những năm qua Hội Nông dân xã Mường Phăng còn khuyến khích hội viên, nông dân tham gia một số mô hình trồng các giống hoa có nguồn gốc ôn đới, như: hoa ly, tuylíp, lan hồ điệp có ứng dụng công nghệ cao tại bản Che Căn; mô hình trồng mận Tam hoa ở các bản Khá, Loọng Luông 1, 2; mô hình lai ghép mắt cây lê với thân cây mắc coọc; mô hình trồng cây sơn tra...

Ông Vàng A Lử, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lai ghép, trồng mới một số giống cây, giống hoa có nguồn gốc ôn đới tại xã thời gian qua cho thấy các loại cây này hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương có thể giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định. Riêng đối với diện tích cây ăn trái lai ghép giữa lê và mắc coọc bước đầu đã cho bói quả, hứa hẹn tương lai không xa loại cây này sẽ mang về cho nông dân một nguồn thu đáng kể. Các giống cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất đại trà đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Qua đó giúp hội viên, nông dân, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao xóa đói, giảm nghèo.

Nguyễn Tuyết (Hội Nông dân tỉnh)
Bình luận
Back To Top