Không để thất thoát vốn và tài sản khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

09:57 - Thứ Hai, 04/06/2018 Lượt xem: 8510 In bài viết
Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện tính nhất quán và sự sáng tạo về phương thức phát triển trong quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về chủ trương sắp xếp, đổi mới DNNN.

Tuần qua, tại diễn đàn Quốc hội, bên cạnh nhìn nhận, khẳng định những thành quả đã đạt được, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng khi việc CPH DNNN giai đoạn 2011-2016 chưa đạt kỳ vọng, với nhiều vấn đề được đặt ra trong thời gian tới. Nhất là khắc phục tình trạng thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình CPH.

Định giá doanh nghiệp thấp để trục lợi

Giai đoạn 2011-2016, thực hiện chủ trương CPH DNNN đã làm tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tạo động lực khai thác, phát huy tiềm năng nguồn lực của đất nước, góp phần tích cực vào thành tựu tăng trưởng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, có 571 DNNN được CPH, nhưng phần lớn đều mắc lỗi trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, như: không tính giá trị lợi thế quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp, các giá trị tài sản vô hình bị bỏ qua. Qua kiểm toán ở bảy DNNN, đã kiến nghị điều chỉnh tăng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tới gần 21 nghìn tỷ đồng…

Việc định giá DNNN là khâu then chốt để CPH, nhưng đây lại là khâu còn yếu kém, còn nhiều sơ hở với hệ thống các quy định lỏng lẻo. Nhiều doanh nghiệp có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá, cho nên giá trúng cao hơn nhiều so với giá khởi điểm. Lo ngại này rất có cơ sở, như ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nêu rõ: Mới đây, Công ty cổ phần khách sạn Kim Liên được định giá khởi điểm 30.600 đồng/cổ phần, nhưng qua đấu giá lên tới 274.200 đồng/cổ phần; Công ty cổ phần ong Trung ương, giá khởi điểm là 15.000 đồng/cổ phần, giá trúng 116.000 đồng/cổ phần…

Trong các trường hợp này, nếu việc CPH chỉ được “bán chỉ định”, “sang nhượng nội bộ” với những quan hệ không rành mạch trong định giá, hay việc thông thầu khi đấu giá, đấu thầu thì nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước là rất lớn. Sự cấu kết của lợi ích nhóm, như nhiều đại biểu lo lắng, còn ở ý đồ “thả” cho DNNN thua lỗ trước khi CPH để “hạ giá” tài sản, nhằm dễ bề thâu tóm. Thực tế chứng minh, có DNNN trước CPH thua lỗ triền miên, nhưng sau CPH, cũng với những lãnh đạo cũ, lại trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận cao.

Giải trình ý kiến trước Quốc hội về nội dung này, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đều khẳng định, khi CPH doanh nghiệp sản xuất chọn hình thức thuê đất, trả tiền đất hằng năm thì không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp là phù hợp. Sau khi CPH, doanh nghiệp từ bỏ ngành sản xuất, kinh doanh chính, xin chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, đất ở thì vẫn đúng luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại cho rằng, trong các trường hợp nêu trên, rõ ràng lợi ích sau khi chuyển mục đích sử dụng đất sẽ vào túi cá nhân, còn thiệt hại nếu có, thuộc về phía Nhà nước. Vì thế, sự “phù hợp” hay “đúng luật” như ý kiến giải trình, có đáp ứng mục tiêu đặt ra khi CPH là không để quyền lợi của Nhà nước bị xâm phạm?

Nguyên tắc CPH là cần tính đúng, tính đủ tài sản hữu hình và cả tài sản vô hình vào giá trị doanh nghiệp, như: thương hiệu doanh nghiệp, lợi thế thương mại, bản quyền, uy tín, lợi thế thị trường, lợi thế độc quyền… Nhiều ý kiến chỉ rõ, việc định giá tài sản vô hình thời gian qua lúng túng không chỉ bởi đây là việc khó, mà còn do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, thiếu cụ thể. Nếu bỏ qua yếu tố “tài sản vô hình” khi định giá DNNN, thì cần phải coi đây là một dạng thất thoát tài sản Nhà nước. Bên cạnh đó, thất thoát còn nằm ở việc chưa tính tới yếu tố cung - cầu thị trường. Bởi vì, để tăng tài sản thu về từ việc thoái vốn, cần lựa chọn thời điểm thích hợp bán cổ phần khi thị trường có nhu cầu lớn.

Trao đổi ý kiến bên hành lang Quốc hội, có đại biểu cho rằng, do giá trị quyền sử dụng đất của nhiều DNNN tương đối lớn, nếu tính ngay vào giá trị thì sẽ bị đội giá, rất khó CPH, trong khi yêu cầu đặt ra là cần CPH nhanh. Giải pháp cho vấn đề này là cho phép DNNN tự lựa chọn mua quyền sử dụng đất có thời hạn hoặc tiếp tục hình thức thuê đất. Việc tách phần đất đai khỏi CPH như vậy giúp bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, chống thất thoát, đồng thời hỗ trợ DNNN tiến hành CPH nhanh chóng, thuận lợi hơn. Trong trường hợp này, Chính phủ cần chỉ đạo kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương khi phê duyệt phương án sử dụng đất, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau CPH. Không để xảy ra sai phạm khi phê duyệt phương án sử dụng đất hoặc để xảy ra tình trạng sau CPH, doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp, không đúng quy định để kinh doanh bất động sản làm nhà ở, chung cư thương mại kiếm lời, gây phương hại và thất thoát tài sản của Nhà nước.

Nhiều ý kiến cũng lo ngại, quá trình định giá doanh nghiệp tại một số đơn vị chưa theo đúng nguyên tắc thị trường, dẫn tới sai lệch để một số cá nhân trục lợi tài sản. Có trường hợp tập đoàn, tổng công ty cố tình chậm nộp tiền CPH để chiếm dụng vốn. Bên cạnh đó, còn phát hiện DNNN cố tình bán bớt vốn Nhà nước tại các công ty con, công ty liên kết trước khi bàn giao vốn của công ty mẹ về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)…

Công khai, minh bạch trong quá trình CPH

Khắc phục thực trạng tài sản nhà nước bán ra luôn có xu hướng bị định giá thấp không khó, nếu mọi việc mua bán được công khai, minh bạch, nhằm loại bỏ các yếu tố lũng đoạn. Thông tin về danh mục CPH cần được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và các DNNN trong diện CPH phải có trách nhiệm thực hiện theo đúng lộ trình phê duyệt. Nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu các phương pháp định giá tài sản tiên tiến, nhất là loại trừ việc định giá tài sản dựa trên sổ sách lạc hậu mà không phù hợp cơ chế thị trường, bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch. Giá cổ phần xác định theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá công khai, minh bạch.

Việc định giá cần tiến hành độc lập với các đơn vị có nhiều kinh nghiệm quốc tế và trong nước, có sự giám sát chéo giữa các cơ quan, bảo đảm tính độc lập và minh bạch gắn với việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán chặt chẽ, ngăn chặn, loại trừ sự tùy tiện trục lợi tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao chất lượng công tác kiểm toán, nhất là về các vấn đề tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp và giá trị phần vốn của Nhà nước tại DNNN trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp CPH, qua đó còn nhằm phát hiện các bất cập trong cơ chế, chính sách về CPH DNNN để kiến nghị sửa đổi phù hợp. Chính phủ cần chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản, vốn của Nhà nước, cũng như làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị, chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền rà soát chặt chẽ phương án sử dụng đất khi CPH DNNN, gắn với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất và phù hợp quy hoạch của địa phương. Kiên quyết thu hồi đất không sử dụng, sử dụng sai mục đích ngay từ khi phê duyệt phương án sử dụng đất để CPH. Có như vậy, những vị trí “đất vàng, đất bạc” không được định giá đúng mới không rơi vào tay các cá nhân, tổ chức muốn thâu tóm.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top