Chính sách chi trả DVMTR

Chênh lệch lớn về đơn giá

08:19 - Thứ Năm, 07/06/2018 Lượt xem: 9153 In bài viết
ĐBP - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NÐ-CP của Chính phủ ngày 24/9/2010, được kỳ vọng góp phần cải thiện cuộc sống và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, do quy định về đơn giá chi trả bình quân trên 1ha rừng giữa các lưu vực nhà máy thủy điện có sự chênh lệch quá lớn, khiến người dân so bì quyền lợi; thậm chí một số nơi người dân không nhận tiền DVMTR, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Bất cập giá hỗ trợ

Toàn tỉnh có hơn 367.469ha rừng, trong đó có hơn 242.000ha rừng thuộc lưu vực sông Ðà đủ điều kiện cung ứng DVMTR. Theo Nghị định 99, những đối tượng sử dụng DVMTR như các nhà máy thủy điện, công ty nước phải có nghĩa vụ nộp tiền phí. Ðối với các nhà máy sản xuất điện được tính vào giá thành bán điện với mức thu 20 đồng/kwh điện thương phẩm; đối với các đơn vị sản xuất nước thu 40 đồng/m3 nước thương phẩm. Căn cứ vào đó, đơn giá tính tiền chi trả DVMTR 1ha rừng thuộc lưu vực sông Ðà bình quân hơn 500.000 đồng/ha/năm (năm 2013 đơn giá hơn 495.000 đồng/ha/năm; năm 2015 gần 300.000 đồng/ha/năm; năm 2017 là 570.000 đồng/ha/năm.

 

Ðoàn công tác HÐND tỉnh kiểm tra thực tế việc bảo vệ và phát triển rừng, chi trả DVMTR tại xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo).

Xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo) có hơn 4.560ha rừng, chủ yếu là rừng đặc dụng (hơn 3.500ha) phân bố chủ yếu ở các bản Thẩm Táng, Thẩm Mú, còn lại là diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất trạng thái IIa, IIb, đều thuộc lưu vực sông Ðà và đủ điều kiện cung ứng DVMTR. Nhờ có chính sách chi trả DVMTR, những năm qua người dân xã Pú Xi được hưởng lợi nhiều từ rừng, thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/hộ/năm, có cộng đồng thu nhập bình quân rất cao như cộng đồng bản Thẩm Táng lên đến 32 triệu đồng/hộ/năm. Ông Vừ A Tủa, bản Thẩm Táng, xã Pú Xi, cho biết: Từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm một hộ nhận được hơn 30 triệu đồng tiền DVMTR, có hộ nhận khoán bảo vệ rừng nhiều thì số tiền lên đến hơn 50 triệu đồng/năm.

Ðặc biệt, từ năm 2016 Nhà máy Thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động thì đơn giá cho 1ha rừng thuộc lưu vực Nhà máy Thủy điện Lai Châu đủ điều kiện cung ứng DVMTR tăng lên mức 822.703 đồng/ha/năm. Theo đó, toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé và Nậm Pồ (trừ 3 xã Phìn Hồ, Si Pa Phìn và Chà Tở, huyện Nậm Pồ) được hưởng mức giá này. Mường Nhé là một trong những huyện được hưởng lợi nhiều từ chi trả DVMTR. Toàn huyện có tổng diện tích rừng giao cho các cộng đồng thôn, bản là hơn 33.400ha. Theo tính toán của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, trong đợt chi trả tiền DVMTR năm 2017 cho huyện Mường Nhé lên tới gần 17 tỷ đồng. Trong đó, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) được hưởng tiền DVMTR tương đối lớn, với 7 cộng đồng thôn bản, quản lý trên 10.000ha rừng. Ðợt chi trả vừa qua, cả xã nhận về trên 8,1 tỷ đồng tiền DVMTR. Ðặc biệt, cộng đồng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng có 19 hộ dân tham gia quản lý và bảo vệ trên 2.700ha rừng. Năm 2017, cả bản nhận được hơn 2,2 tỷ đồng tiền DVMTR. Như vậy, chỉ cần làm phép tính đơn giản: 2,2 tỷ chia 19 hộ dân, như vậy mỗi hộ sẽ nhận được khoảng 115 triệu đồng.

Trái ngược với lưu vực Nhà máy Thủy điện sông Ðà và Thủy điện Lai Châu, thì mức chi trả DVMTR thuộc lưu vực Nhà máy Thủy điện sông Mã lại vô cùng thấp, thậm chí không bằng số lẻ của Thủy điện Lai Châu. Như năm 2015, đơn giá chi trả DVMTR thuộc lưu vực sông Mã là 6.594 đồng/ha/năm, năm 2016 mức 7.680 đồng/ha/năm và năm 2017 là 5.473 đồng/ha/năm. Với mức giá thấp như vậy, dẫn đến tình trạng người dân trên địa bàn một số huyện không nhận tiền chi trả DVMTR, như ở huyện Ðiện Biên Ðông, Ðiện Biên. Thậm chí huyện Mường Ảng còn không dám triển khai nghiệm thu để chi trả tiền cho người dân vì số tiền quá thấp, sợ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, cho biết: Huyện đã ban hành các quyết định về phê duyệt danh sách chủ rừng cung ứng DVMTR trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, tất cả diện tích rừng của huyện đều thuộc lưu vực sông Mã, số tiền chi trả bình quân quá thấp (không quá 6.000 đồng/ha/năm). Vì vậy, huyện chưa tổ chức nghiệm thu, chi trả DVMTR cho các chủ rừng. Cũng theo ông Hiệp, có những chủ rừng chỉ nhận bảo vệ và phát triển 1ha rừng. Với đơn giá khoảng 6.000 đồng/ha thì chỉ nhận được 6.000 đồng/năm. Trong khi đó, từ nhà ra trung tâm xã mất vài tiếng đồng hồ hoặc nửa ngày, nên nhiều chủ rừng không muốn đi nhận tiền.

Hay như huyện Tuần Giáo có 8/19 xã, thị trấn có diện tích rừng thuộc lưu vực sông Mã, với tổng diện tích hơn 8.300ha, được giao cho 69 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và 722 hộ dân. Ðể thực hiện chi trả DVMTR, UBND huyện Tuần Giáo đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách về dịch vụ hữu ích này đến các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời tổ chức họp triển khai kế hoạch DVMTR tại các bản. Song đến nay vẫn chưa có chủ rừng nào thuộc lưu vực sông Mã nhận tiền DVMTR. Ông Vàng A Mua, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo), cho biết: Cả xã có hơn 2.200ha rừng, giao cho 15 chủ rừng là hộ dân và 3 chủ rừng là cộng đồng bảo vệ, chăm sóc nhưng từ khi giao đất giao rừng (năm 2013) đến nay, người dân vẫn chưa nhận tiền DVMTR. Nguyên nhân, đơn giá quá thấp, người dân không nhận. Có chủ rừng cho rằng, trong một huyện nhưng các chủ rừng ở các xã khác như: Mường Thín, Pú Xi… lại được chi trả cao, còn Tênh Phông quá thấp.

Cách giải bài toán khó

Lý giải về những bất cập nêu trên, ông Trần Khoa Phương, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho rằng: Lỗi là từ Nghị định 99 của Chính phủ. Dựa trên cơ sở xác định diện tích rừng thuộc các lưu vực nhà máy thủy điện, nước sạch để thu phí và trả phí DVMTR. Theo đó, những diện tích rừng trong các lưu vực có càng nhiều đơn vị sử dụng DVMTR thì số thu càng lớn, các chủ rừng được trả phí DVMTR càng cao. Chẳng hạn, lưu vực sông Mã, diện tích rừng lớn, nhưng chỉ có duy nhất Nhà máy Thủy điện Bá Thước (Thanh Hóa) nên số phí thu và trả cho các chủ rừng vùng này rất thấp. Nhưng đối với lưu vực sông Ðà lại có nhiều nhà máy thủy điện như: Sơn La, Hoà Bình, Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex nên số phí thu rất cao, do đó chủ rừng được hưởng mức cao hơn. Cụ thể năm 2013, đơn giá xác định được trả cho chủ rừng thuộc lưu vực sông Ðà là 495.600 đồng/ha, nhưng đơn giá chi trả thuộc lưu vực Thủy điện sông Mã chỉ 6.024 đồng/ha/năm, hay lưu vực Thủy điện Tà Cơn 1.740 đồng/ha.

Ðể nâng mức tiền chi trả DVMTR lưu vực có đơn giá thấp, ông Phương cho biết: Thực hiện thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Chính sách chi trả DVMTR (2011 - 2013), về bổ sung nguồn ngân sách thông qua các chương trình, dự án, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng để hỗ trợ, đảm bảo đơn giá tối thiểu đến chủ rừng là 200.000 đồng/ha rừng/năm. Theo đó, căn cứ vào quyết định phân bổ vốn sự nghiệp của Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn theo nguyên tắc ưu tiên cho các hạng mục chuyển tiếp, như bảo vệ rừng; hỗ trợ gạo trồng rừng thay thế nương… Sau đó, còn thừa sẽ tham mưu bù mức giá chênh lệch so với mặt bằng hỗ trợ khoán bảo vệ rừng 400.000 đồng/ha/năm. Ðặc biệt, thực hiện Nghị định số 147/2016/NÐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99 về chính sách chi trả DVMTR, Sở đã tham mưu điều chỉnh phần kinh phí vượt mức khoán 2 lần (Thủy điện Lai Châu 822.703 đồng, trong khi mức khoán 400.000 đồng/ha/năm) theo mức khoán bảo vệ rừng hiện hành. Theo đó, sẽ điều chuyển số dư 22.703 đồng sang cho lưu vực thủy điện sông Mã. Cũng theo Nghị định 147 quy định, 1kw điện thương phẩm phải nộp tiền phí sẽ là 36 đồng thay thế 20 đồng/kwh, còn 1m3 nước thương phẩm sẽ tăng lên 52 đồng thay vì  40 đồng/m3 như trước đây. Như vậy, nếu các phương án trên được chấp thuận, thì mức giá chi trả DVMTR của 1ha thuộc lưu vực sông Mã sẽ tăng lên khoảng 50.000 đồng/ha/năm, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top