Bất cập thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản

08:35 - Thứ Năm, 07/06/2018 Lượt xem: 9089 In bài viết

Kỳ 2: Chưa phù hợp nguyện vọng người thụ hưởng

ĐBP - Mục đích của các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ suy cho cùng cũng chỉ hướng đến ổn định đời sống cho nguời dân. Và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai chính sách này vẫn chưa phù hợp; nhiều mô hình, cây, con giống… hỗ trợ chưa phù hợp nguyện vọng của người dân dẫn đến hiệu quả chính sách chưa cao.

Qua 4 năm triển khai thực hiện Quyết định 02/2014/QÐ-UBND ngày 13/3/2014 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2017, toàn tỉnh được đầu tư gần 89 tỷ đồng. Thực hiện hỗ trợ hơn 1.600 tấn giống cây lương thực, như lúa, ngô, đậu tương; 2.000 bịch nấm các loại cho người dân. Kết quả thực hiện hỗ trợ nuôi thủy sản đạt gần 1,2 triệu con cá giống các loại, với tổng diện tích hơn 59ha; cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho hơn 1.500 con bò mẹ. Toàn tỉnh hỗ trợ gần 161.000 giống cây trồng phân tán, như lát hoa, mỡ, thông. Hỗ trợ sản xuất cho 65 hộ dân và 1 tập thể tham gia góp đất trồng cao su, với tổng diện tích gần 35ha. Công tác tập huấn đã tổ chức được khoảng 1.300 lớp về kỹ thuật sản xuất chăn nuôi, với khoảng 32.000 lượt người tham gia... Nếu nhìn vào những con số trên, thì đây sẽ là những con số ấn tượng về công tác chỉ đạo, triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, có đi thực tế từng địa phương, gia đình và từng mô hình, chúng tôi mới hiểu… sự thật chưa ấn tượng như những gì đã đề cập.

 

Hàng năm, người dân được hỗ trợ giống cây ăn quả rất nhiều, tuy nhiên việc hỗ trợ con giống chăn nuôi lại ít.

Mường Ảng được đánh giá là huyện thực hiện tốt chính sách, với 6 nội dung đã thực hiện được. Tuy nhiên, đó là về mặt báo cáo, con số, còn thực tế qua giám sát nhiều nội dung hỗ trợ người dân không những chưa phát huy hiệu quả mà thậm chí chưa đúng với nguyện vọng của người dân. Thực tế chứng minh, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn huyện trong 4 năm qua có sự chênh lệch đáng kể. Với gần 5,5 tỷ đồng, huyện Mường Ảng đã hỗ trợ hơn 118.000kg giống lúa, ngô, đậu các loại cho người dân; hơn 140 triệu đồng cho 40 hộ phát triển các loại cây cà phê, cây ăn quả trong vùng quy hoạch... trong khi các nội dung hỗ trợ khác, như: chăn nuôi lợn, gia cầm thì lại không thực hiện được. Như vậy chỉ cần làm phép so sánh đơn giản, suốt 4 năm người dân liên tục phải nhận các loại giống cây, trong khi không có bất kỳ mô hình phát triển chăn nuôi nào.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện, cho rằng: Việc hỗ trợ các loại giống cây đó là do nhu cầu của người dân, bởi huyện đã triển khai xuống xã và xã có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký và tổng hợp gửi lên cơ quan chuyên môn thẩm định, chứ huyện không bắt người dân phải nhận cái này, cái kia. Ðồng thời, việc không thực hiện được các mô hình chăn nuôi là bởi mức hỗ trợ không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Ví dụ, mức hỗ trợ chăn nuôi gia cầm theo quy mô gia đình theo quyết định là hỗ trợ 70% lãi suất tiền vay ngân hàng 3 năm đầu giúp các hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô đàn gia cầm từ 500 con trở lên để mua giống, thức ăn chăn nuôi, xây dựng chuồng trại... Song thực tế, trên địa bàn huyện Mường Ảng chưa có gia đình nào có thể chăn nuôi với quy mô đàn gia cầm từ 500 con trở lên. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế nhu cầu của người dân không như ông Hùng nói. Chị Lò Thị Hương, bản Hồng Sọt, xã Búng Lao, cho rằng: Trong khi, nhiều con giống người dân cần thì không hỗ trợ, còn thứ không cần thì lại được hỗ trợ. Gia đình muốn được hỗ trợ con trâu, bò để vừa sinh sản vừa giúp gia đình sản xuất nông nghiệp nhưng hàng năm chỉ được hỗ trợ giống cây lương thực.

Tại huyện Tuần Giáo cũng xảy ra tình trạng tương tự. Năm 2017, người dân thị trấn Tuần Giáo đã rủ nhau không nhận giống lúa hỗ trợ, mà tự mua giống khác về gieo. Theo người dân, chính sách chỉ hỗ trợ 30% giá giống quá thấp, nên người dân không nhận. Bên cạnh đó, giống lúa hỗ trợ toàn giống cũ, không như nguyện vọng của người dân. Hay tại bản Nậm Din, xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo), vụ ngô năm 2017 cả bản được hỗ trợ hơn 1 tấn ngô giống. Theo anh Giàng A Chứ, trưởng bản Nậm Din, cho biết: Bà con trong bản muốn được hỗ trợ các giống ngô mới, năng suất cao, nhưng hàng năm lại nhận được giống ngô LVN10. Giống ngô này đã quá lâu, không phù hợp nên ít người trồng, chủ yếu người dân đi mua giống bên ngoài về trồng.

Theo phản ánh từ các địa phương cũng cho thấy người dân đều muốn được hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm… nhưng không được và phải nhận hỗ trợ các giống cây lương thực, cây ăn quả. Mà ngay cả khi có hỗ trợ đúng nguyện vọng của người dân thì cũng xảy ra tình trạng chậm hoặc chất lượng cây con giống không đáp ứng yêu cầu. Ðồng tình với quan điểm này, ông Giàng A Páo, Phó Bí thư, Chủ tịch HÐND huyện Tủa Chùa - thành viên Ban Dân tộc (HÐND tỉnh) chỉ rõ, việc hỗ trợ cây, con giống, đặc biệt giống lúa và ngô chưa phù hợp với nguyện vọng của bà con. Dẫn chứng ý kiến này, ông Páo phân tích: Các xã, như: Tả Sìn Thàng, Sín Chải, Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa) có điều kiện tự nhiên, địa hình khác hẳn một số xã của huyện Tuần Giáo nhưng việc hỗ trợ giống ngô lại cùng một mô tuýp. Nghĩa là cứ đến vụ ngô thì người dân các xã này lại được hỗ trợ giống ngô, chủ yếu loại LVN10, trong khi giống ngô này hiện đã được chứng minh không phù hợp bởi năng suất thấp hơn nhiều so với các giống ngô khác; trong khi còn có nhiều giống mới năng suất cao hơn, như giống ngô: HN60, HN90, PAC36 lại không có trong danh mục được hỗ trợ, dẫn đến người dân chưa nhiệt tình tham gia, thụ hưởng chính sách. Như vậy việc hỗ trợ giống ngô vừa chưa phù hợp nguyện vọng người dân lại vừa gây lãng phí nguồn đầu tư của Nhà nước. Cũng theo ông Páo, liên quan đến việc bất hợp lý trong cơ cấu bộ giống một phần nguyên nhân là do sự độc quyền trong cung ứng giống. Hiện nay, chỉ Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên được phép cung ứng cây, con giống cho các địa phương. Thăm dò ý kiến người thụ hưởng, được biết hầu hết các giống được hỗ trợ đều kém năng suất, hiệu quả, trong khi các giống ở bên ngoài tuy giá cao hơn nhưng chất lượng và năng suất tốt hơn. Thiết nghĩ, việc nhập giống từ Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên chắc chắn sẽ đảm bảo được độ an toàn, giá cả hợp lý hơn. Tuy nhiên, phải cần có những loại giống mới phù hợp với điều kiện địa phương, năng suất cao hơn thay thế các loại giống cũ không phù hợp, chứ không nên chỉ vin vào quy định trong danh mục hỗ trợ của Quyết định 02 để thực hiện.

Theo tính toán, trong 4 năm trung bình 10 huyện, thị xã và thành phố được phân bổ gần 10 tỷ đồng, trong đó có những huyện cao nhất, như Ðiện Biên 14 tỷ đồng, Tủa Chùa 23 tỷ đồng… đó là chưa kể đến các chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác của Chính phủ. Thế nhưng sau 4 năm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện, các xã vẫn chưa giảm so với kỳ vọng. Hầu hết các địa phương không đánh giá được hiệu quả của chương trình sau đầu tư. Thiết nghĩ, chính sự chủ quan và không phù hợp nguyện vọng của dân nên tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho người dân chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Từ những bất cập trong quá trình hỗ trợ này, thiết nghĩ, các cấp, các ngành khi triển khai hỗ trợ cần khảo sát nhu cầu, nắm bắt thời vụ, thời điểm một cách thấu đáo; đồng thời, giải quyết các thủ tục cần thiết một cách nhanh chóng, tiến hành giao giống kịp thời cho bà con, giúp việc gieo trồng đúng thời vụ, đem lại hiệu quả trong sản xuất. Có như vậy, thì chính sách hỗ trợ mới đúng mong muốn của người dân và khi đó tiếng nói của người được thụ hưởng mới được lắng nghe và tiếp thu.

Kỳ cuối: Chồng chéo nội dung hỗ trợ, cản trở nỗ lực giảm nghèo

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top