Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

08:28 - Thứ Sáu, 08/06/2018 Lượt xem: 9023 In bài viết
ĐBP - Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì vậy, thời gian qua ngành Nông nghiệp đã có nhiều chủ trương, chính sách về đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó từng bước đưa các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế vào sản xuất, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm địa phương; bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Cơ sở Sản xuất đông trùng hạ thảo Loan Nhẹ Ðiện Biên - một trong những đơn vị áp dụng thành công CNSH vào việc nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ði vào hoạt động từ cuối năm 2015 đến nay, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất được đầu tư đúng quy trình kỹ thuật. Có phòng nghiên cứu, bảo quản giống riêng, diệt khuẩn vô trùng đảm bảo tiêu chuẩn phòng cấy vô trùng an toàn sinh học cấp 2. Anh Nguyễn Hữu Tuấn Dũng, chủ Cơ sở Sản xuất đông trùng hạ thảo Loan Nhẹ Ðiện Biên, cho biết: Yêu cầu nghiêm ngặt của việc nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo là cơ chất phải chính xác, giống phải đảm bảo, điều kiện về độ ẩm, ánh sáng phải đảm bảo tiêu chuẩn, là sản phẩm được cấy trong môi trường hoàn toàn vô trùng, không chất kích thích, không chất bảo quản, hoàn toàn bằng CNSH. Hiện nay, cơ sở của gia đình anh sản xuất trên 4.000 bịch/tháng, không chỉ tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động mà còn góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Hiện nay, trong lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại nhiều đơn vị, hộ dân đã biết dùng các loại men vi sinh để trộn thức ăn cho gia súc, gia cầm và xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Dùng chế phẩm men vi sinh trộn với tỷ lệ thích hợp theo quy trình làm thức ăn thường xuyên cho gia súc, gia cầm và làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa đông rất hiệu quả. Theo tính toán của cơ quan chức năng, bằng phương pháp này, những cơ sở sản xuất, kinh doanh đã giảm được từ 30 - 40% chi phí đầu tư, đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, gia cầm và chất lượng sản phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng; góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người chăn nuôi và cộng đồng. Năm 2015, Trung tâm Phát triển chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ứng dụng thành công công nghệ men ủ thức ăn và đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, bò. Anh Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Phát triển chăn nuôi), cho biết: Qua đánh giá bước đầu cho thấy, sử dụng công nghệ ủ men và đệm lót sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường và hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi. Chi phí cho xử lý môi trường theo phương pháp này rất thấp, sử dụng được nhiều năm, nguyên liệu chủ yếu là các phế phẩm nông nghiệp như: trấu, cám, mùn cưa, vỏ lạc, lõi ngô nghiền nhỏ… để làm chất độn chuồng, kết hợp với phun chế phẩm sinh học lên bề mặt nền đệm lót để tạo thành chất men vi sinh giúp phân giải phân, nước tiểu, làm giảm mùi hôi thối, ruồi, muỗi. Ngoài ra, sử dụng đệm lót sinh học không cần tắm cho lợn hàng ngày mà lợn vẫn sạch sẽ, giảm chi phí điện nước và nhân công. Sau một thời gian sử dụng, đệm lót còn có thể tái sử dụng làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.

Ngoài những mô hình trên, còn nhiều ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả cao, như: Mô hình tổ chức sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trên nền than bùn và phụ phẩm nông nghiệp của Công ty Cổ phần Chế biến nông sản Ðiện Biên; sử dụng men vi sinh trộn vào thức ăn để nâng cao sức đề kháng trong chăn nuôi, kích thích sự chuyển hóa thức ăn; ứng dụng công nghệ gây động dục đồng loạt, nâng cao hiệu quả thụ tinh nhân tạo nhằm tăng năng suất đàn bò… Có thể thấy, việc ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc nhân rộng CNSH còn gặp nhiều khó khăn về chi phí đầu tư, tập quán sản xuất, quy mô… Do đó, để đẩy mạnh ứng dụng CNSH rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Thu Phương
Bình luận
Back To Top