Khó đạt mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh

10:09 - Thứ Hai, 11/06/2018 Lượt xem: 8839 In bài viết
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo (Nghị quyết 19). Đây là năm thứ năm liên tiếp, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 và cũng là năm đặt kỳ vọng cao nhất: tăng thêm 8 đến 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB).

Thành lập, phá sản doanh nghiệp đều khó

Đối với các chỉ số thành phần, Nghị quyết 19 đặt mục tiêu cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh tăng ít nhất 40 bậc; hai chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản tăng 10 bậc; hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD); giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành và chuyển đổi mạnh mẽ cơ chế quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

 

Người dân làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đánh giá, Nghị quyết 19 lần này đã hướng vào trọng tâm cải cách cho được các chỉ số liên quan hoạt động của doanh nghiệp và thể chế thị trường. Vì năm 2017, chỉ số khởi sự kinh doanh đứng thứ 123/190 (giảm 2 bậc so năm 2016) và doanh nghiệp vẫn phải trải qua 9 thủ tục trong 22 ngày. Đây là thứ hạng rất đáng phải suy nghĩ vì các nước trên thế giới đã tiến rất xa. Thí dụ, Xin-ga-po đã cho phép hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng chỉ mất 2,5 ngày làm việc.

Hai chỉ số liên quan tư pháp là giải quyết tranh chấp hợp đồng và thủ tục phá sản nhiều năm ở vị trí thấp và đang xếp thứ 129/190. “Đây là hai chỉ số rất quan trọng của một nền kinh tế thị trường. Bởi muốn thị trường vận hành tốt, không thể không có một cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và hệ thống tòa án chuyên nghiệp, đáng tin cậy. Còn phá sản là sự trừng phạt của thị trường đối với người làm không tốt, để nguồn lực tập trung vào nơi làm tốt hơn”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

Về tiến độ cắt giảm ĐKKD, những năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực nhưng đến nay, ĐKKD vẫn là vấn đề nhức nhối đối với cộng đồng doanh nghiệp, là nguyên nhân tạo ra chi phí, rào cản, làm méo mó môi trường kinh doanh và triệt tiêu sáng kiến của nhà đầu tư.

Cần sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành

Theo phản ánh của đại diện Công ty Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp An Đô, doanh nghiệp gọi điện thoại để được hướng dẫn làm thủ tục đăng ký kinh doanh thì nhân viên Sở Kế hoạch và Đầu tư gợi ý “muốn nhanh thì phải lên đây”. Nhưng khi đến tận nơi thì nhân viên bảo tự tìm hiểu trên bảng hướng dẫn, cuối cùng doanh nghiệp phải chi phong bì mới xong việc. Trong lĩnh vực giáo dục, vẫn còn quy định những điều kiện bất khả thi, khiến nhà đầu tư phải gian dối. Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho biết, việc cấp quyết định thành lập trường ngoài công lập hiện vẫn yêu cầu qua hai bước: cấp giấy phép thành lập và cấp phép hoạt động, không khác gì chuyện con gà - quả trứng, cái nào có trước, cái nào có sau. Vì chưa có giấy phép thành lập, chưa có tư cách pháp nhân thì không thể ký hợp đồng với giáo viên nhưng hồ sơ xin thành lập trường tiểu học lại yêu cầu phải có đủ số lượng giáo viên có hợp đồng, chứng chỉ. “Xin thú thật là tôi đã từng phải tạo giấy tờ giả bằng cách gọi điện cho một số giáo viên bảo nộp hồ sơ để ký hợp đồng và mọi chuyện cũng qua”, ông Khang nói.

Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật đến hết quý I - 2018 cho thấy, mới chỉ có 738 ĐKKD được cắt bỏ và đơn giản hóa. Cá biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đơn giản hóa được 11 ĐKKD nhưng lại bổ sung 115 ĐKKD mới, tức là bỏ 1, thêm 10. Hiện tại, ngoài Bộ Công thương đã hoàn tất nhiệm vụ này, trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP cắt giảm và đơn giản được 675 ĐKKD, mới có Bộ Xây dựng trình Chính phủ dự thảo nghị định. Năm bộ khác gồm: Giao thông vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp đã có dự thảo nghị định nhưng chưa trình Chính phủ. Các bộ: Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rà soát, có phương án nhưng chưa trình Chính phủ.

TS Nguyễn Đình Cung đánh giá, nếu các bộ này tích cực, có thể các nghị định sửa đổi ĐKKD sẽ được ban hành đúng hạn, trước ngày 31-10-2018; sẽ có khoảng 1.968 ĐKKD được cắt giảm. Nhưng phần lớn các bộ, ngành còn lại vẫn đang trong giai đoạn rà soát, có phương án, nhưng chưa xây dựng dự thảo nghị định. Như vậy khả năng đạt kế hoạch cắt giảm một nửa số ĐKKD hiện có theo Nghị quyết 19 là khó có thể hoàn thành, nếu không có sự quyết liệt hơn nữa trong hành động của các bộ, ngành.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top