Khó kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng

08:36 - Thứ Tư, 13/06/2018 Lượt xem: 9335 In bài viết
ĐBP - Không chỉ ở vùng cao, mà ngay tại TP. Ðiện Biên Phủ, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn phổ biến. Qua thống kê của Ðội Quản lý thị trường số 1 (TP. Ðiện Biên Phủ), từ đầu năm đến nay, Ðội đã phát hiện hàng trăm vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, công tác kiểm tra và xử lý cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các loại hàng giả về thực phẩm.

 

Cán bộ Ðội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ 840 que kem Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

TP. Ðiện Biên Phủ không phải là địa bàn trọng điểm về sản xuất hàng giả, nhưng tình trạng buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay Ðội Quản lý thị trường số 1 đã phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra 454 vụ, phát hiện sai phạm và xử phạt vi phạm hành chính 181 vụ, nộp ngân sách Nhà nước hơn 234 triệu đồng. Trong đó, vi phạm về nhãn mác hàng hóa 82 vụ; không niêm yết giá 66 vụ; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ 10 vụ; hàng nhập lậu 10 vụ; các vụ còn lại vi phạm khác, như: hàng hết hạn sử dụng, vi phạm an toàn thực phẩm, vi phạm giá... Ðiển hình, ngày 4/5/2018, qua kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện cửa hàng chị Vì Thị Hà, trú tại xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) kinh doanh 1.800 lọ sirô ho không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Tương tự, ngày 13/5/2018, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và phát hiện 840 que kem Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ của anh Phạm Thanh Tùng, trú tại trị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) đang kinh doanh trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ… Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm phần nào thể hiện được quyết tâm cao của lực lượng quản lý thị trường TP. Ðiện Biên Phủ trong chấn chỉnh việc sản xuất, vận chuyển và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, vì hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng giả trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý; thậm chí dù phát hiện nhưng vẫn khó xử lý, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm.

Ông Nguyễn Minh Cường, Ðội trưởng Ðội quản lý thị trường số 1, cho biết: Hiện trên địa bàn thành phố có 4.688 hộ thương nhân; 166 doanh nghiệp; 399 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng hóa; hàng trăm hộ kinh doanh nhỏ lẻ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh... Do địa bàn rộng, số lượng các hộ kinh doanh lớn, trong khi lực lượng quản lý thị trường mỏng nên tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn phổ biến.

Thực tế, để phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường không khó vì loại hàng hóa đó không có bất kỳ loại tem, nhãn theo quy định nào. Hay có những loại giả, nhái nhãn hiệu bằng cách làm bao bì gần giống với bao bì hàng chính hãng, chỉ khác một vài chi tiết khiến người tiêu dùng khó phân biệt, như: nước uống đóng chai LaVie (chính hãng) với loại LaVia (không chính hãng) chỉ khác nhau ở chữ “e” và “a”. Song việc khẳng định đó là hàng giả để xử lý lại không dễ chút nào. Bởi để xử lý được hàng giả thì bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Mà kết quả đó chỉ có nhà sản xuất hoặc các cơ quan chuyên môn giám định mới có thể khẳng định được hàng giả, nên khi kiểm tra phát hiện, cơ quan chức năng phải có thời gian chờ đợi, hoặc phải liên hệ với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, theo quy định, khi xác định một mặt hàng là giả, kém chất lượng (ví như hàng thực phẩm) thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành lấy 9 mẫu thực phẩm. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường giữ 3 mẫu; Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm giữ 3 mẫu và chủ mặt hàng đó giữ 3 mẫu. Sau đó lấy mỗi bên một mẫu gửi đi trung tâm có đủ điều kiện để kiểm nghiệm xác định mặt hàng đó có phải là hàng giả, hàng kém chất lượng hay không. Nếu kết quả kiểm nghiệm đó không đạt yêu cầu chất lượng thực phẩm thì cũng chưa thể xử lý được chủ mặt hàng, bởi có những trường hợp chủ mặt hàng cho rằng kết quả kiểm định đó chưa chính xác. Vì vậy, phải tiếp tục gửi 3 mẫu khác đi trung tâm kiểm nghiệm khác để xác định. Nếu kết quả kiểm nghiệm mặt hàng đó đạt yêu cầu chất lượng thì phải tiếp tục gửi 3 mẫu còn lại đến trung tâm khác để kiểm nghiệm lần cuối. Kết quả kiểm nghiệm lần này nếu trùng với 1 trong 2 kết quả trước thì mới có căn cứ để xác định mặt hàng đó có đạt yêu cầu chất lượng hay không. Trong khi đó, mỗi mẫu gửi về trung tâm kiểm nghiệm mất vài ngày, thậm chí cả tuần và chi phí kiểm nghiệm là 4 triệu đồng/mẫu. Như vậy nếu kiểm nghiệm hết 9 mẫu như trên thì chi phí lên tới 36 triệu đồng. Mặc dù, theo quy định của pháp luật nếu đương sự vi phạm thì phải nộp khoản tiền giám định đó nhưng trên thực tế hầu như không có đương sự nào tự nguyện nộp và việc cưỡng chế thi hành cũng khó khăn.

Ðể góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, thời gian tới, Ðội Quản lý thị trường số 1 tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về chống buôn bán vận chuyển kinh doanh hàng hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top