Nỗi niềm nghề đánh cá

08:35 - Thứ Năm, 14/06/2018 Lượt xem: 10640 In bài viết
ĐBP - Sau khi công trình Thủy điện Sơn La hoàn thành, lòng hồ sông Ðà bắt đầu tích nước, thị xã Mường Lay không chỉ trở thành một đô thị tươi đẹp và thơ mộng hơn, mà người dân thị xã “trên bến dưới thuyền” cũng có thêm cơ hội khai thác nguồn lợi thủy sản từ lòng hồ, và nghề đánh bắt cá, tôm bắt đầu phát triển. Nhưng thời gian gần đây, nguồn thủy sản tự nhiên bắt đầu ít dần, việc đánh bắt cũng trở nên khó khăn và đương nhiên, với người dân sống bằng nghề đánh cá sẽ không thể tránh khỏi những tâm tư…

Thị xã Mường Lay vào lúc 19 giờ, trời dần tối, lòng hồ sông Ðà bỗng trở nên sôi động bởi tiếng máy nổ giòn vang từ những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân. Ðây là thời điểm thích hợp nhất để họ đi thắp đèn chuẩn bị cho mẻ vó cất vào lúc quá nửa đêm. Qua sự kết nối từ người quen, chúng tôi lên một chiếc thuyền máy tham gia hành trình cùng với ngư dân đi thắp đèn điện ắc quy để đánh cá. Ngay trên khoang thuyền, mở đầu câu chuyện, anh Ðiêu Văn Phòng, trú tại tổ 1, phường Sông Ðà - chủ thuyền máy, tâm sự: Làm nghề đánh cá bây giờ khó khăn hơn trước rất nhiều; đánh lưới không hiệu quả nữa, bởi ít cá to, mà chủ yếu đánh vó đèn bắt cá tạp. Tôi làm nghề này đã gần 10 năm, thời tiết đẹp thì tối nào cũng đi đánh vó đèn. Những năm trước đây, mỗi đêm lượng cá tạp đánh được tính bằng tạ, bây giờ chỉ tính bằng kilogram thôi; như đêm hôm qua chỉ đánh được hơn chục kilogam cá tạp, hôm nào ít thì được vài kilogam.

 

Nơi đặt vó đèn của gia đình anh Ðiêu Văn Phòng, tổ 1, phường Sông Ðà (thị xã Mường Lay).

Ðưa chúng tôi đi dọc lòng hồ sông Ðà, đến địa điểm đặt 2 chiếc vó đèn của gia đình, anh Phòng giới thiệu: Ðây là 2 “mảnh ruộng” của gia đình tôi, cả 5 miệng ăn của gia đình chỉ trông vào 2 “mảnh ruộng” này. Dù khó khăn, vất vả thế nào, chúng tôi cũng vẫn phải theo nghề và xác định sống bằng nghề, bởi chưa có sự lựa chọn nào khác. Tâm tư của anh Phòng cũng là điều dễ hiểu, vì hiện nay nhiều hộ dân phường Sông Ðà không có ruộng; phường có hơn 400 hộ thì chỉ có khoảng 60 hộ có ruộng, với tổng diện tích khoảng 7ha lúa 1 vụ; số hộ còn lại chủ yếu sống bằng nghề đánh cá và một số nghề khác. Nếu nghề đánh cá ngày càng khó khăn, bấp bênh thì việc tiếp tục chọn nghề gì để mưu sinh sẽ là bài toán khó đối với mỗi ngư dân.

Lúc này trời đã tối hẳn, anh Ðiêu Văn Phòng cũng đã thắp xong 2 ngọn đèn cho 2 chiếc vó. Theo anh Phòng giải thích, ánh đèn sẽ thu hút côn trùng để dụ cá đến ăn. Thông thường mỗi đêm chỉ cất một mẻ vào khoảng thời gian từ 2 - 3 giờ sáng. Nếu đêm nào được nhiều cá thì gọi lái buôn đến lấy, hôm nào được ít thì mang ra chợ bán hoặc đem phơi khô. Mặc dù giá hiện nay cao hơn trước chút ít, mỗi kilogam cá tạp có giá khoảng 10.000 đồng, nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. Ðêm nào đánh được vài chục kilogam cá trở lên thì mới kiếm được vài trăm nghìn, còn đêm ít chỉ đủ chi phí xăng dầu.

Trên hành trình đi thắp đèn trở về, ngay bên bờ sông, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Lù Văn Túng (60 tuổi), trú tại tổ 5, phường Sông Ðà - một ngư dân có gần 30 năm làm nghề đánh bắt cá, ông được mọi người ví như một chuyên gia về sông nước. Ông Túng cho biết: Trước đây, thời điểm lòng hồ mới tích nước, có đêm tôi đánh được 7 tạ cá các loại. Bây giờ thì cá ở hồ sông Ðà giảm nhiều, đêm nào đánh được nhiều nhất cũng chỉ khoảng 1 tạ cá tạp; còn bình thường được vài chục kilogam là phấn khởi lắm rồi, có đêm chỉ được trên dưới 10kg. Làm chuyên nghiệp như tôi, bình quân mỗi tháng đi đánh cá 20 buổi là nhiều. Thời điểm này mặt nước không ổn định, chỉ cần mưa một tí là nước đục, đánh vó đèn không được nữa.

Lý giải về việc bây giờ người dân ít đánh lưới mà chủ yếu là đánh vó đèn, ông Lù Văn Túng cho rằng, do quy trình hoạt động của thủy điện đầu nguồn (tức Thủy điện Nậm Nhùn tỉnh Lai Châu) mình không nắm được, lúc xả nước nhiều thì họ thông báo, xả bình thường thì họ không thông báo; nên khi đang đánh lưới mà họ xả nước thì lưới sẽ trôi mất, hoặc đứt hết lưới, bà con không dám thả lưới nữa, mà có thả cũng không được, vì chỉ cần họ xả nước để phát điện là mình đã bị trôi lưới rồi, chưa nói xả lớn để thoát lũ trong mùa. Bà con hiện nay chỉ còn trông vào đánh vó đèn, nhưng lại phụ thuộc thời tiết. Hôm nào ngư dân đánh được nhiều cá một chút thì cũng khó tiêu thụ, bởi thị trường ở đây rất hẹp. Loại cá tạp chủ yếu cung cấp cho một số bà con dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi. Lái buôn ở nơi khác nhưng phải số lượng thật nhiều thì họ mới đến lấy. “Thu nhập từ đánh cá bây giờ giảm nhiều so với những năm trước, việc đánh bắt không ổn định. Nguyên nhân có thể do hai bên đầu nguồn đều có thủy điện nên diện tích mặt nước rộng, cá sẽ tản mạn vào các khe, các ngóc ngách, rất khó bắt. Mặt khác, do lượng cá bị đánh bắt nhiều nên giảm sút, không phát triển được nữa” - Ông Lù Văn Túng chia sẻ.

Ðược biết, ở thị xã Mường Lay hiện có gần 200 thuyền đánh cá (cả thuyền sắt và thuyền gỗ), tập trung ở 2 phường: Na Lay và Sông Ðà. Nhưng chỉ có người dân ở phường Sông Ðà là làm nghề đánh cá chuyên nghiệp, còn người dân ở phường Na Lay chủ yếu đánh cá theo thời vụ. Ông Vũ Tiến Hưng, Chủ tịch UBND phường Sông Ðà, cho biết: Khoảng 50% dân số của phường hiện nay sống bằng nghề đánh bắt cá. Việc đánh bắt cá của bà con so với những năm trước đây kém hơn rất nhiều; không hiểu vì sao sông Ðà không còn nhiều cá như trước, thủy sản tự nhiên ngày một ít đi. Nhưng nếu bà con chịu khó đánh bắt thì vẫn còn có thể túc tắc kiếm ăn được, chỉ có điều sẽ khó khăn, vất vả hơn.

Nói đến Mường Lay, chúng ta thường nghĩ đến một thị xã “trên bến dưới thuyền”, với cảnh sông nước hiền hòa, thơ mộng; việc đánh bắt cá ở đây đã trở thành nghề và là nguồn thu nhập chính của rất nhiều hộ dân. Nhưng nguồn thủy sản tự nhiên không phải là vô tận, cuộc sống của ngư dân không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Mưu sinh trên sông nước vất vả, nhọc nhằn là thế, nhưng ngư dân phường Sông Ðà nói riêng, thị xã Mường Lay nói chung, vẫn buộc phải gắn bó với nghề. Ngày nào cũng vậy, lúc trời nhá nhem tối, những chiếc thuyền lại vội vã rời bờ đi thắp đèn đánh vó - Một hành trình mưu sinh trên sông nước lại bắt đầu.

Bài, ảnh: Linh Giang
Bình luận
Back To Top