Bất cập thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm và thủy sản

08:54 - Thứ Năm, 14/06/2018 Lượt xem: 10902 In bài viết

Kỳ 3: Chồng chéo nội dung hỗ trợ, ảnh hưởng nỗ lực giảm nghèo

ĐBP - Chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản là một trong nhiều chương trình, dự án hỗ trợ công tác giảm nghèo cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện một số nội dung hỗ trợ của chính sách trùng với một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác của Chính phủ, dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác giảm nghèo.

 

Người dân bản Háng A, xã Rạng Ðông (huyện Tuần Giáo) nhận hỗ trợ giống ngô LVN10.

Bên cạnh những mặt tích cực từ chính sách đem lại thì cũng phải thừa nhận rằng, một số nội dung chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định 02/2014/QÐ-UBND ngày 13/3/2014 của UBND tỉnh) có sự trùng lặp với chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QDÐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, tại thông tư 682/HD-LN ngày 21/5/2014 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Tài chính về hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 02 của UBND tỉnh, quy định danh mục và định mức hỗ trợ đối với giống ngô, gồm: Ngô lai LVN10, CP88, LVN885, CP999, Bioseed 9698… với định mức 15kg/ha, bị trùng với danh mục hỗ trợ tại Quyết định 102/2009 của Chính phủ. Hay như nội dung hỗ trợ thú y (hỗ trợ 100% tiền vắc xin cần thiết để tiêm phòng cho gia súc trong địa bàn toàn tỉnh) trùng với nội dung hỗ trợ vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm thuộc hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất của Nghị quyết 30a và Chương trình 135. Như vậy, trên cùng 1 con gia súc, gia cầm không thể tiêm phòng cùng một thời điểm và cùng một loại thuốc. Ðồng nghĩa với việc, sẽ có 1 trong 2 chính sách không thực hiện được, nếu có thực hiện được cũng không hiệu quả.

Việc một số nội dung hỗ trợ trùng lặp với chính sách khác đã xảy ra vấn đề, cùng một thời điểm và cùng một hộ dân đều được nhận cả hỗ trợ từ Quyết định 02 của UBND tỉnh và Quyết định 102 cũng như hỗ trợ của Chương trình 135. Ðặc biệt, xuất hiện tình trạng khi được hỗ trợ người dân vẫn nhận, dùng không hết đem bán đổi cho đại lý với giá rẻ, đại lý bán hoặc trả công ty, công ty lại xuất bán cho người dân theo một chương trình trợ giá khác. Ðiển hình, người dân ở xã Rạng Ðông, Phình Sáng (huyện Tuần Giáo); Lao Xả Phình, Sín Chải (huyện Tủa Chùa) đều được hỗ trợ theo 2 quyết định nhưng cùng một loại giống ngô (LVN10); trong khi đó diện tích đất có hạn nên không thể dùng hết, vì vậy đã có người đem đi bán, thậm chí bỏ đi, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Không chỉ có 2 nội dung hỗ trợ này bị trùng lặp mà còn một số nội dung khác cũng trùng lặp, như hỗ trợ giống cây ăn quả, lúa, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm… Sự chồng chéo về nội dung hỗ trợ của chính sách tuy không trùng lặp về nguồn lực nhưng đã dẫn đến sự dàn trải nguồn lực đầu tư, trong khi đó, khả năng bố trí ngân sách Nhà nước có hạn, đã cản trở hiệu quả thực hiện các chính sách và mục tiêu giảm nghèo.

Việc trùng lặp một số nội dung hỗ trợ đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải ngân vốn. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ năm 2015 - 2017, toàn tỉnh được phân bổ gần 89 tỷ đồng, trong khi đó chỉ giải ngân được hơn 73 tỷ đồng (đạt 82,81%). Qua giám sát, một số huyện, thành phố chưa thực hiện hết nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp, còn để kết dư ngân sách. Tỷ lệ giải ngân thấp, trong đó TP. Ðiện Biên Phủ chỉ đạt 35,25%; huyện Nậm Pồ đạt 39,52%; Mường Ảng đạt hơn 68%; Mường Chà đạt 67,47%...

Theo phân tích, của thành viên đoàn giám sát Ban Dân tộc (HÐND tỉnh), tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nhiều nội dung của chính sách hỗ trợ trùng nhau. Cụ thể, như hỗ trợ chăn nuôi lợn đối với các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I mức hỗ trợ bằng 10% giá lợn giống, trong khi yêu cầu bắt buộc các hộ chăn nuôi phải có từ 10 con lợn sinh sản hoặc từ 50 con lợn thịt trở lên nên không có người chăn nuôi đăng ký, dẫn đến khó huyện nào thực hiện được nội dung này. Bên cạnh đó, trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố, đặc biệt là các huyện nghèo hỗ trợ theo Nghị quyết 30a, có nhiều chính sách hỗ trợ trùng đối tượng, trùng nội dung hỗ trợ với Quyết định 02 của UBND tỉnh, nhưng các chính sách khác có định mức hỗ trợ cao hơn và không bị giới hạn về hạn mức hỗ trợ nên các địa phương ưu tiên thực hiện các chính sách đó cho người dân. Do đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định 02 bị giảm về đối tượng, khối lượng, khu vực thụ hưởng dẫn đến kết dư nguồn vốn.

Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: Hiện nay có khoảng 70 chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ và địa phương đang được thực hiện trên địa bàn, như: Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững - 135; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn (Quyết định 102)… Do quá nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo cùng một lúc trong khi hầu hết định mức hỗ trợ lại cao hơn chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Quyết định 02 của UBND tỉnh nhiều nên huyện chú trọng triển khai các chính sách kia, bởi có lợi cho nhân dân hơn. Ví dụ, xã Mường Nhé thuộc khu vực II, theo quy định Quyết định 02 chỉ hỗ trợ một phần cây, con giống, còn lại người dân bỏ tiền ra đối ứng. Giả sử, muốn nhận được 1kg giống lúa xác nhận theo hỗ trợ của Quyết định 02 thì người dân phải bỏ ra 70% giá trị của 1kg giống đó, còn Nhà nước hỗ trợ 30%. Như vậy mức hỗ trợ thấp dẫn đến việc đối ứng của người dân khó thực hiện, do một phần người dân còn nghèo không có khả năng đối ứng, còn một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý, tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh đó, cùng lúc có rất nhiều chính sách hỗ trợ khác cho người dân, như Nghị quyết 30a, Chương trình 135, nông thôn mới… nên người dân sẵn sàng nhận hỗ trợ theo chính sách khác, trong khi các chính sách khác không phải thực hiện đối ứng.

Việc giải ngân đạt tỷ lệ thấp, đồng nghĩa với việc người chịu thiệt thòi không ai khác ngoài nông dân. Bởi tiền cấp về cho địa phương, nếu địa phương không tiêu hết thì trả lại hoặc xin chuyển đổi sang mục đích khác; thế nhưng còn người dân, đặc biệt hộ nghèo họ chắc chắn sẽ mất đi cơ hội để tiếp cận với các tư liệu sản xuất, các mô hình phát triển chăn nuôi và đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top