Mở rộng hoạt động xúc tiến đầu tư tài chính

09:31 - Thứ Năm, 14/06/2018 Lượt xem: 8891 In bài viết
Cùng với thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đã tương đối thành công trong thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư tài chính tại thị trường quốc tế, nhiều cơ hội mở ra cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sau 18 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được biết đến là một thị trường non trẻ nhất, nhưng có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô, thanh khoản trong khu vực ASEAN và Ðông Á. Trong 10 năm qua, quy mô của thị trường cổ phiếu đã tăng bốn lần, năm 2006 là 22% GDP, năm 2010 là 44% GDP và hiện tại là gần 84% GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm qua là 43%/năm. Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, nếu vào năm 2006, cả hai Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) chỉ có 192 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch thì cho đến nay, thị trường có 1.467 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên hai Sở GDCK (trong đó có 743 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết và 724 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM), gần 30 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa hơn một tỷ USD. Năm 2017, có 92,5% số doanh nghiệp niêm yết có lãi, tổng doanh thu tăng 18,5% và tổng lợi nhuận sau thuế tăng 27,5% so năm 2016, và đó là minh chứng rõ nét cho sự hỗ trợ của thị trường tài chính đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chỉ số đại diện cho TTCK Việt Nam (VN-Index) đã tăng trưởng hơn 48% trong năm 2017. Quý I năm 2018, VN-Index tiếp tục tăng trưởng thêm 19,3% trong khi HNX-Index tăng trưởng 13,3%. Thanh khoản của TTCK tăng mạnh. Nếu năm 2017, thanh khoản thị trường tăng 66% so năm 2016 thì sang quý I năm 2018 đã tăng 76% so năm 2017, và đang giao dịch ở mức khoảng 390 triệu USD/ngày...

Có thể thấy, sự phát triển nhanh và vững chắc của TTCK trong những năm vừa qua là kết quả tổng hợp nhiều yếu tố, nhưng có lẽ quan trọng nhất là sự tăng trưởng GDP ở mức cao cũng như sự ổn định kinh tế vĩ mô trong khoảng thời gian khá dài, cùng nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút nguồn vốn đầu tư tương đối thành công. Việc tiếp tục nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tỷ giá đồng nội tệ; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh nói chung cùng nỗ lực chủ động tổ chức xúc tiến đầu tư tài chính tại các trung tâm tài chính quốc tế như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Thái-lan... đã gia tăng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Ðiều này thể hiện qua số lượng nhà đầu tư và công ty quản lý quỹ quan tâm tới thị trường Việt Nam ngày càng tăng. Việc tăng cường xúc tiến đầu tư tài chính đã mang tới cho các nhà đầu tư nhạy bén các thông tin quan trọng về mức độ minh bạch của thị trường, về sự hài hòa các chuẩn mực tài chính quốc tế. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có điều kiện tăng cường huy động vốn ở các sở giao dịch nước ngoài. Có thể nói, các hội nghị xúc tiến đầu tư ở nước ngoài đã góp phần quan trọng thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Cho tới nay, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức xúc tiến đầu tư tài chính tại hầu hết các trung tâm tài chính lớn trên thị trường quốc tế, trong đó, thị trường Nhật Bản đã hai lần được lựa chọn để tổ chức. Gần đây nhất, hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức tại Hàn Quốc. Cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Chính vì vậy, việc tiếp tục khơi dòng vốn ngoại, tạo cơ hội để Việt Nam quảng bá về TTCK, bảo hiểm, chính sách mở cửa thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam tiếp cận giới đầu tư tài chính, ngân hàng của Hàn Quốc là nhằm kêu gọi và thúc đẩy các hoạt động đầu tư tài chính.

Ðặc biệt, các hoạt động xúc tiến đầu tư đã giới thiệu đến các nhà đầu tư nước ngoài về kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK; thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài rót vốn mua cổ phiếu của doanh nghiệp trên thị trường. Với kế hoạch cổ phần hóa 64 doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn tại 181 DN có vốn nhà nước, bao gồm nhiều tên tuổi lớn như Habeco, Petrolimex, Vinatex, VnSteel… sẽ là những cơ hội tốt cho dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam. Sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khiến TTCK Việt Nam ngày càng sôi động hơn, các DN sẽ sớm được áp dụng nguyên tắc quản trị hiện đại và công bố thông tin công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng thị trường.

Sau các đợt xúc tiến đầu tư, Công ty TNHH Hóa chất Sekisui (Nhật Bản) đã mua lại 15% số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong; Công ty Tokyo Gas (hãng phân phối ga lớn nhất Nhật Bản) đã mua 24,9% cổ phần của Công ty cổ phần Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam… Mới đây nhất, một thương vụ "gây tiếng vang lớn" trên thị trường vốn quốc tế là giao dịch thỏa thuận mua cổ phiếu Vincom Retail (VRE) vào tháng 11-2017 của nhà đầu tư RWC Asset Advisors (Mỹ). Ðầu năm 2018, doanh nghiệp Polestar (Mỹ) cũng đã đặt vấn đề mua 49% cổ phần bán ra của Công ty TNHH Một thành viên Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR). Ðiều này cho thấy kết quả của hoạt động xúc tiến đầu tư tài chính tổ chức tại ba nước: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc đã mang lại kết quả tích cực.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top