Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Còn nhiều việc phải làm

08:40 - Thứ Năm, 21/06/2018 Lượt xem: 8836 In bài viết
Sau 3 năm thực hiện Ðề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” bước đầu đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, thu nhập và đời sống của người nông dân. Tuy nhiên, trên thực tế Ðề án vẫn chưa tạo được chuyển biến rõ rệt trong tái cơ cấu; tăng trưởng của ngành chưa thực sự vững chắc.

Lúng túng sản xuất, chật vật tiêu thụ

Thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ngành Nông nghiệp và chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức các mô hình sản xuất điểm, nhưng thực tế triển khai, người nông dân vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất lao động. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm.

 

Ðoàn giám sát do Thường trực HÐND tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra mô hình cam Vinh tại bản Mường Nhé, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé). Ảnh: Nhật Phương

Trong chương trình giám sát tình hình thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững từ năm 2015 - 2018 của Thường trực HÐND tỉnh tại huyện Mường Nhé vào trung tuần tháng 5/2018, đoàn giám sát đã đến thăm mô hình trồng cam Vinh đầu năm 2015 tại xã Mường Nhé với quy mô 17,5ha. Ðứng giữa vườn cam Vinh đã qua giai đoạn kiến thiết của gia đình ông Khoàng Văn Phánh, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé, mọi người đều bày tỏ sự phấn khởi với những thành quả bước đầu của mô hình. Ông Phánh cho biết: Tham gia mô hình, người dân được UBND huyện hỗ trợ cây giống, phân bón và giám sát kỹ thuật. Năm đầu tiên cây cam phát triển rất nhanh, khỏe mạnh. Ðến năm thứ 2 đã cho quả bói. Năm 2017, vườn cam cho lứa quả ngọt đầu tiên. Với 1ha, gia đình tôi thu hoạch được 3 tấn cam, thu nhập 75 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi đoàn giám sát hỏi về quy trình chăm sóc, định hướng phát triển, nhân rộng mô hình trong thời gian tới khi nguồn hỗ trợ mô hình đã kết thúc, giọng ông Phánh bỗng trầm xuống. Vì từ cuối năm 2017 đến nay, khi kết thúc mô hình cũng là lúc mọi sự đầu tư, chăm sóc cho vườn cam cũng... dừng lại. Ông Phánh cho biết: Nửa năm nay, vườn cam không được chăm sóc vì không có kinh phí đầu tư. Khoản thu từ bán cam năm 2017 chỉ đủ để trang trải cuộc sống gia đình, không còn chi phí để đầu tư tiếp cho vườn cam. Theo cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi cùng đoàn giám sát thì giống cam này nếu để một thời gian không chăm sóc, năng suất, sản lượng sẽ giảm rõ rệt, cây cam lâu ngày sẽ còi cọc kém hiệu quả. Ðiều đáng nói là, cách vườn cam khoảng 100m có một ao chứa nước khá lớn cũng thuộc sự quản lý của ông Phánh nhưng ông không đầu tư hệ thống dẫn nước tưới cho vườn cam. Vấn đề phòng trừ sâu bệnh, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mường Nhé luôn sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, thuốc cho người dân nhưng ông Phánh cũng chưa một lần đề nghị giúp đỡ.

Năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mô hình trồng dứa theo chuỗi cung ứng dứa an toàn tại Hợp tác xã Na Sang (xã Na Sang, huyện Mường Chà) trên diện tích 61ha. Sau hơn 8 tháng triển khai, sản phẩm dứa của Hợp tác xã Na Sang đã được cấp chứng nhận nông sản an toàn. Sản phẩm được đóng gói, bao bì đẹp mắt và dán tem, mã truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, dứa Na Sang được một số doanh nghiệp trên địa bàn ký hợp đồng tiêu thụ và quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, lượng dứa tiêu thụ rất khiêm tốn. Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Na Sang cho biết: Lượng dứa tiêu thụ qua các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không đáng là bao so với tổng sản lượng dứa. Xã viên hợp tác xã chủ yếu bán dứa cho thương lái từ Sơn La đến mua nhưng việc thu mua không ổn định. Khi thương lái không đến, người dân lại phải bày dứa ra bán lẻ tại khu vực trụ sở hợp tác xã. Cơ hội mở ra đối với Hợp tác xã Na Sang, khi năm 2017, sau một quá trình thăm dò, kiểm tra, Công ty TNHH Long Hải (Hải Dương) đã ký hợp đồng tiêu thụ dứa của Hợp tác xã. Tuy nhiên, sau 5 - 6 chuyến hàng đầu tiên, Hợp tác xã Na Sang không đủ nguồn hàng để cung cấp cho nhà máy chế biến. Do đó, Công ty đành phải cắt hợp đồng. Muốn có nguồn cung ổn định thì bắt buộc phải mở rộng diện tích sản xuất nhưng đây là vấn đề không dễ dàng. Bởi vì, UBND huyện Mường Chà chưa coi cây dứa là cây chủ đạo trong phát triển kinh tế, trong khi người dân cũng không có đủ kinh phí để đầu tư mở rộng diện tích. Hợp tác xã Na Sang đành tự loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Hạn chế về nhận thức

Qua chuyến giám sát tình hình thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững từ năm 2015 - 2018 cho thấy: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc triển khai thực hiện Ðề án đến các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp chưa đa dạng, còn mang tính hình thức. Ngay cả nhận thức của cấp chính quyền huyện, xã về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp còn rất hạn chế. Nội dung, nhiệm vụ tái cơ cấu của các địa phương còn dàn trải, chưa cụ thể, chưa có trọng tâm, chưa xác định được các sản phẩm chủ lực gắn với lợi thế vùng, địa phương để tập trung chỉ đạo thực hiện. Ða phần UBND cấp huyện chưa có nhiều văn bản hướng dẫn cấp xã thực hiện; chưa xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của huyện. Ðiển hình như huyện Mường Nhé, trong 3 năm thực hiện Ðề án, huyện chưa xây dựng Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cấp huyện, chưa có văn bản nào hướng dẫn cấp xã triển khai thực hiện. Một số huyện đã xây dựng Ðề án riêng, tuy nhiên nội dung của Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cũng na ná, không khác kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm là mấy. Nguồn kinh phí thực hiện Ðề án tại các huyện còn rất hạn chế, chủ yếu là lồng ghép chung các nguồn vốn mục tiêu. Ông Nguyễn Minh Phú, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Qua cuộc giám sát của Thường trực HÐND tỉnh, huyện Mường Chà nhìn nhận ra nhiều vấn đề còn hạn chế trong thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn. Thời gian tới, huyện Mường Chà sẽ xây dựng lại Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, trong đó xác định rõ từng chỉ tiêu cụ thể dựa trên các tiêu chí của UBND tỉnh.

Ðể Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phát huy hiệu quả, còn nhiều việc cần làm. Trước hết là thay đổi nhận thức về Ðề án đối với chính quyền cấp huyện, xã. Ðược biết, nhằm thay đổi nhận thức của cơ sở về Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng kế hoạch phân công tổ công tác đến các huyện để tuyên truyền, hướng dẫn công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Ðề án.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top