Xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới

Dồn lực hoàn thành kế hoạch

08:44 - Thứ Sáu, 22/06/2018 Lượt xem: 9381 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Quyết định 1573/QÐ-TTg ngày 9/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới (gọi tắt Ðề án 29 xã biên giới) trên địa bàn 29 xã biên giới thuộc 4 huyện: Ðiện Biên (12 xã); Mường Chà (3 xã); Nậm Pồ (8 xã) và Mường Nhé (6 xã). Mục đích của Ðề án nhằm thực hiện xây dựng NTM gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững; đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu; nâng cao đời sống của nhân dân; hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; xây dựng và bảo vệ biên giới, đoàn kết, hữu nghị; giữ vững an ninh - quốc phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay có 4/29 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Nưa và Thanh Luông (huyện Ðiện Biên), đạt 57,14% so với mục tiêu (7 xã); 2 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí (Sín Thầu, huyện Mường Nhé và Chà Nưa, huyện Nậm Pồ); 18 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và 5 xã đạt dưới 5 tiêu chí (mục tiêu của Ðề án đến năm 2020 không còn xã nào dưới 10 tiêu chí). Số tiêu chí bình quân đạt 8 tiêu chí/xã, tăng 2 tiêu chí/xã so với năm 2015 (đạt 52,61% so với mục tiêu của Ðề án). Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo các xã biên giới năm 2017 giảm còn 47% (giảm 7% so với năm 2015), bình quân mỗi năm giảm 3,5%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của các xã từng bước được nâng lên: Tiêu chí về giao thông tăng 5 xã; cơ sở vật chất văn hóa tăng 8 xã; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tăng 10 xã so với năm 2015. Ðặc biệt, các xã được lựa chọn hoàn thành xây dựng NTM năm 2016 và 2017, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn, huy động các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí. Vì vậy, việc triển khai xây dựng NTM nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực từ người dân và cộng đồng.

 

Xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2018. Trong ảnh: Người dân bản Tá Miếu chăn nuôi gia cầm cải thiện đời sống.

Bên cạnh những thành quả đạt được, việc triển khai, thực hiện Ðề án còn gặp nhiều khó khăn, cản trở tiến độ, mục tiêu đề ra. Ông Hà Xuân Mừng, Phó Văn phòng Ðiều phối Chương trình NTM tỉnh, cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả thực hiện Ðề án còn khiêm tốn là do thiếu vốn. Từ năm 2016 - 2018, toàn tỉnh mới chỉ được hỗ trợ 48 tỷ đồng (trong đó vốn sự nghiệp năm 2017 là 30 tỷ đồng, năm 2018 là 18 tỷ đồng). Trong khi để thực hiện được mục tiêu và nhiệm vụ của Ðề án thì tổng nhu cầu vốn cần gần 2.000 tỷ đồng, song đến nay tỷ lệ bố trí vốn mới đạt 0,024% so với tổng nhu cầu vốn cần để thực hiện; trong khi địa phương chưa bố trí được vốn đầu tư phát triển để hỗ trợ 29 xã biên giới thực hiện nội dung đầu tư hạ tầng nông thôn (chiếm 9/19 tiêu chí). Mặc dù được phân bổ 48 tỷ đồng, song việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn sử dụng vốn sự nghiệp của Bộ Tài chính dẫn đến tiến độ thực hiện xây dựng NTM theo Ðề án bị chậm. Một số huyện chưa ban hành nghị quyết của cấp ủy về chương trình xây dựng NTM; vẫn còn tư tưởng thụ động, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước; các xã biên giới chủ yếu là xã đặc biệt khó khăn nên xuất phát điểm rất thấp, bình quân mỗi xã trước khi thực hiện Ðề án chỉ đạt từ 1 - 2 tiêu chí... đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai, thực hiện Ðề án.

Mục tiêu chung của Ðề án là phấn đấu đến năm 2020 không còn xã dưới 10 tiêu chí. Trong đó có 7 xã đạt 19/19 tiêu chí; 3 xã đạt 16 tiêu chí; 5 xã đạt 13 tiêu chí; 5 xã đạt 12 tiêu chí; 7 xã đạt 11 tiêu chí; 2 xã đạt 10 tiêu chí; bình quân đạt 13,83 tiêu chí/xã. Ðể đạt được mục tiêu này, theo ông Hà Xuân Mừng: Tỉnh sẽ tập trung nguồn lực cho các xã đạt dưới 5 tiêu chí (hiện còn 5 xã dưới 5 tiêu chí) và phấn đấu giải quyết dứt điểm trong năm 2018. Thời gian tới, bằng nguồn vốn dự phòng của Trung ương cấp về (103 tỷ đồng), tỉnh sẽ tập trung cho các xã dưới 5 tiêu chí, trong đó ưu tiên các tiêu chí, như: Cơ sở vật chất văn hóa; nhà ở dân cư và môi trường... Một yếu tố quan trọng nữa là cần sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân. Các cấp, ngành chức năng không chỉ tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội mà cần nghiên cứu, điều chỉnh tiêu chí theo đặc thù, điều kiện thực tế từng nơi.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top