Tủa Chùa

Thay đổi tư duy việc làm cho thanh niên nông thôn

08:56 - Thứ Hai, 25/06/2018 Lượt xem: 9097 In bài viết
ĐBP - Mặc dù là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và có hơn 90% dân số sống bằng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, song nhiều thanh niên ở Tủa Chùa hiện nay vẫn khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Hầu hết thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT đều có suy nghĩ “phải đi học đại học, phải vào cơ quan Nhà nước”. Chính vì vậy, thay đổi tư duy về việc làm hiện đang là hướng đi mà Tủa Chùa xác định tập trung triển khai thực hiện.

Thống kê từ năm 2012 đến nay, UBND huyện mới chỉ tuyển dụng, bố trí việc làm được cho 206 người, trong tổng số hơn 750 sinh viên đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp trên địa bàn (chiếm gần 30%). Như vậy, khoảng hơn 70% sinh viên đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp còn lại buộc phải tự tìm việc làm khác ngoài Nhà nước, hoặc chấp nhận ở nhà phụ giúp gia đình sản xuất nông nghiệp.

 

Tận dụng lợi thế của địa phương, phát triển chăn nuôi đang là hướng đi được Tủa Chùa định hướng việc làm cho lao động nông thôn.

Vấn đề việc làm, nhất là việc làm cho thanh niên càng trở nên khó khăn khi huyện triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đến năm 2021, với nhiều quy định ràng buộc, như: Bộ máy phải tinh giản tối thiểu 10% tổng số biên chế, chỉ tuyển dụng lại 50% trong số cán bộ công chức nghỉ hưu… khiến cơ hội việc làm trong bộ máy các cơ quan nhà nước là rất thấp. Trong khi đó, Tủa Chùa là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp và du lịch, thì lại chưa phát huy hiệu quả, do người lao động chưa thực sự mặn mà.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Từ thực tế trên, chúng tôi thấy điều cần thiết hiện nay là phải thay đổi tư duy cho lao động, nhất là thanh niên. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm chúng tôi đã ban hành kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, như: Tổ chức các hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, cách lựa chọn ngành nghề phù hợp thị trường lao động, cũng như khả năng bản thân; đối tượng hướng tới chủ yếu là thanh niên ở các vùng nông thôn, các em học sinh sắp tốt nghiệp THPT, hoặc chưa có việc làm. Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống giáo dục và một số ngành liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, định hướng việc làm cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với những ngành nghề phù hợp… Ðối với những cá nhân mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, địa phương sẵn sàng hỗ trợ, thông qua rất nhiều nguồn vốn vay ưu đãi.

Với hướng đi này, nhiều nơi trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã xuất hiện nhiều hơn những mô hình sản xuất có nguồn thu đáng kể. Thông qua đó không chỉ giúp các hộ xóa đói giảm nghèo, mà góp phần giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thống kê hiện nay toàn huyện có gần 30 nghìn người trong độ tuổi lao động, hơn 80% trong số đó là ở khu vực nông thôn. Vì thế, để triển khai tốt hướng này, thì ngoài sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, cũng như đơn vị liên quan, quan trọng hơn vẫn là ở người lao động. Họ cần chủ động tham gia các khóa đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp; vận dụng kiến thức đã được học, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, phát huy tốt các thế mạnh của địa phương về nông nghiệp, du lịch... để đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh” - ông Lê Thanh Bình nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top