Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:53 - Thứ Ba, 26/06/2018 Lượt xem: 7876 In bài viết
ĐBP - Với mục tiêu tạo việc làm ổn định, đưa năng suất lao động lên cao thúc đẩy sản xuất phát triển, xóa đói giảm nghèo, huyện Tủa Chùa chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hoạt động này đã góp phần thay đổi đáng kể tình hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cải thiện chất lượng đời sống của nông dân.

 

Ðược học nghề kỹ thuật chăn nuôi nhiều nông dân ở đội 5, xã Mường Báng đã phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững với quy mô lớn, cải thiện thu nhập và đời sống.

Toàn huyện hiện có 30 nghìn lao động, trong đó lao động nông thôn chiếm trên 82%. Thực hiện Quyết định số 1956/QÐTTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, đến thời điểm hết quý I/2018 đã có 29 nghìn lao động trên địa bàn huyện được giải quyết việc làm (trong đó chủ yếu lĩnh vực nông, lâm nghiệp), tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm gần 30%. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Tủa Chùa, cho biết: Căn cứ quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng năm của huyện, đơn vị phối hợp với một số cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Năm 2017, huyện đã mở 10 lớp dạy nghề cho 340 lao động. Tập trung vào các nghề trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật sản xuất mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) kết hợp. Theo kế hoạch, năm 2018 Trung tâm phối hợp với các cơ quan chuyên môn sẽ đào tạo cho 580 lao động nông thôn thuộc các nghề: kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật canh tác cây trồng trên đất dốc, phòng dịch bệnh cho gia súc, sản xuất nông nghiệp an toàn, phát triển và bảo vệ rừng... Ông Ðỗ Tuấn Cảnh, Bí thư Ðảng ủy xã Trung thu cho biết: Trồng ngô, lúa, chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò... là công việc mưu sinh thường ngày của nông dân. Tuy nhiên, nhờ được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản; kỹ thuật nuôi gia súc gia cầm theo phương pháp có người chăm sóc, làm chuồng trại, theo dõi tình hình dịch bệnh; đưa giống cây con phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhân lực, kinh phí của mỗi gia đình để phát triển kinh tế theo mô hình gia trại, trang trại... năng suất cây trồng vật nuôi đối với người dân sau học nghề tăng lên, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tại bản Sín Sủ 2, xã Xá Nhè gia đình anh Lờ A Vàng là hộ điển hình có cuộc sống khấm khá nhờ thay đổi tư duy, nhận thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng sau khi học nghề. Anh Vàng tâm sự: Trước đây vợ chồng tôi phát triển kinh tế theo phương pháp truyền thống mang tính tự cung, tự cấp. Tôi sang học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dứa trên đất dốc của đồng bào Mông ở huyện Mường Chà làm thí điểm hơn 2.000m2. Ðược cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tư vấn, hướng dẫn thêm cách bón phân, chăm sóc, dứa phát triển tốt. Gia đình tôi và gia đình người em trai đã chuyển 8.000m2 đất trồng ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng dứa. Năm 2017, trừ chi phí thu về hơn 40 triệu đồng. Năm 2018, dự kiến thu nhập từ trồng dứa khoảng 60 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa nương.

Huyện Tủa Chùa phấn đấu hàng năm nâng dần tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng việc tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, vận động bà con tham gia học tập, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, khả năng tài chính nguồn lực của mỗi gia đình. Ðể từ đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, giảm hộ nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Bảo Khánh
Bình luận
Back To Top