Giúp người dân thoát nghèo bền vững

08:42 - Thứ Năm, 28/06/2018 Lượt xem: 11248 In bài viết
ĐBP - Huyện Tuần Giáo có 16 xã được thụ hưởng Chương trình 135. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số của huyện đã có những chuyển biến tích cực; tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân từ 3 - 5%/năm. Hiện nay, việc hỗ trợ bò giống sinh sản theo Chương trình 135 đang được xem là chương trình giúp người dân của huyện thoát nghèo bền vững.

Tuần Giáo là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn với 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, với trên 70% dân số sinh sống bằng nghề nông. Không lùi bước trước khó khăn, các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện chủ động phối hợp các ngành từ Trung ương đến tỉnh, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi cho người dân, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Một trong những cách làm hiệu quả của huyện Tuần Giáo là thường xuyên kiểm tra, rà soát số hộ nghèo trên địa bàn, đồng thời tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói ở từng gia đình, mỗi thôn, bản để từ đó đưa ra giải pháp giúp người dân vươn lên. Không chỉ được quan tâm hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất, huyện còn giao cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc tín chấp với các ngân hàng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất. Ðồng thời, thực hiện giám sát việc phát huy hiệu quả nguồn vốn vay tại địa phương, thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng các mô hình trong phát triển kinh tế để người dân học tập... Huyện xác định, nếu hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho hộ nghèo thì hiệu quả sẽ không cao. Do vậy, huyện đã lựa chọn và tập trung phát triển, nhân rộng mô hình chăn nuôi bò, hỗ trợ bò giống để thúc đẩy sản xuất cho người dân, nhất là các xã, bản đặc biệt khó khăn.

Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Nếu tiếp tục nhân rộng mô hình sẽ xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống. Về khách quan, nguyên nhân đói nghèo còn chiếm tỷ lệ cao của huyện là do địa bàn tự nhiên khó khăn, ruộng ít, nương nhiều, nhỏ lẻ, manh mún gây khó khăn cho canh tác, chi phí lớn. Mặt khác, người dân còn thiếu kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ðể giúp người dân thoát nghèo bền vững, tránh tái nghèo, đầu năm 2018, huyện Tuần Giáo đã có nhiều giải pháp cụ thể. Ðơn cử như mô hình tặng bò sinh sản cho 464 hộ dân trên địa bàn 18 xã của huyện với tổng kinh phí 4,202 tỷ đồng từ Chương trình 135 đã giúp người dân phát triển kinh tế. Tránh trường hợp đã từng xảy ra ở một số nơi, khi người nghèo được hỗ trợ vật nuôi, nhưng do họ không có kỹ thuật nuôi, chuồng trại không tốt, dẫn đến một thời gian sau vật nuôi chết hoặc còi cọc không lớn được, gây lãng phí, huyện Tuần Giáo đã tổ chức cho các hộ được nhận bò tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi bò sinh sản. Cán bộ chuyên môn huyện trực tiếp xuống họp dân, quy định các đối tượng được nhận bò phải đáp ứng điều kiện là xây dựng chuồng trại đúng quy cách.

Ðến thời điểm này, người dân ở 18 xã được trao bò giống đã thực hiện tốt quy trình chăn nuôi, bảo đảm về nguồn thức ăn và ứng phó với biến đổi thời tiết nên đàn bò phát triển tốt. Gia đình anh Lường Văn Chiến, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở bản Pa Sát, xã Chiềng Sinh là một trong những hộ đầu tiên được nhận hỗ trợ từ Chương trình 135 của huyện trong năm 2018,  khi nhận được bò hỗ trợ từ chương trình, gia đình phấn khởi và tập trung chăm sóc. Từ 1 con bò mẹ được cấp ban đầu, sau 3 tháng trong chuồng nhà anh Chiến đã có thêm bê con. Cũng nhờ chăm chỉ, chịu khó học tập kinh nghiệm nuôi bò từ người đi trước cùng sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn huyện hiện bò mẹ và bê con đang phát triển tốt. Anh Lường Văn Chiến cho biết tôi: Gia đình tôi rất vui mừng khi được nhà nước hỗ trợ nuôi bò sinh sản, nếu đàn bò phát triển tốt, gia đình tôi sẽ có điều kiện nuôi con cái ăn học đầy đủ.

Cùng chung niềm vui với gia đình anh Chiến, nhiều hộ gia đình ở xã Chiềng Sinh khi nhận bò sinh sản về chăm sóc sau một thời gian ngắn đều cho bê con khỏe mạnh; số bò được trao đến các hộ đều được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, đúng quy trình. Ðể làm được điều này còn có sự đồng hành của chính quyền và các cơ quan chuyên môn cùng chung tay giúp đỡ các hộ chăm sóc bò được tốt hơn.

Ngọc Bích
Bình luận
Back To Top