Khó kiểm soát kinh doanh “di động”

09:17 - Thứ Hai, 02/07/2018 Lượt xem: 9020 In bài viết
ĐBP - Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2018, Ðội Quản lý thị trường số 9 đã kiểm tra, phát hiện 19 vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Qua đó tiến hành xử phạt hơn 20 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến hạn sử dụng, nhãn mác hàng hóa, hàng nhập lậu… Tuy nhiên, phần lớn hoạt động kiểm tra mới chỉ được thực hiện tại các cơ sở buôn bán cố định, trong khi đó kiểm soát kinh doanh “di động” vẫn còn nhiều khoảng trống…

Thực nghiệm một cửa hàng kinh doanh hàng tạp hóa cố định được xem là quy mô ở khu vực trung tâm xã Sính Phình. Tại đây có đa dạng mặt hàng khác nhau, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu của người dân, từ trang phục quần áo, đến bánh kẹo, đồ dùng thiết yếu, xà phòng, mắm, muối… Bên cạnh đa phần mặt hàng đảm bảo các điều kiện kinh doanh, chúng tôi vẫn ghi nhận một số sản phẩm, đặc biệt là bánh kẹo, được đóng trong các bao bì không có nhãn mác, thông tin…

 

Hoạt động kinh doanh, buôn bán theo hình thức “di động” hiện nay vẫn diễn ra ở các địa bàn vùng cao.

Chủ cửa hàng này giải thích: Các gói không có nhãn mác là do tôi tự chia nhỏ từ gói lớn ra để bán cho dễ. Ở đây hiểu biết của người dân giờ cũng được nâng lên nhiều rồi, với lại người mua còn có nhiều cán bộ, giáo viên, nên tôi không bán hàng rởm, hàng nhái. Hàng lưu thông thường xuyên nên cũng không có hàng hết hạn. Dù vậy, bản thân chủ cửa hàng lại thừa nhận không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái khi phóng viên đưa ra 2 hình ảnh của cùng 1 sản phẩm. Câu hỏi được đặt ra ở đây là, bản thân người bán cũng không phân biệt được hàng thật - hàng giả, thì với người tiêu dùng ít tiếp cận với các loại hàng hóa, liệu có đủ hiểu biết để phân biệt?

Ở một số khu vực trung tâm xã khác trên địa bàn huyện Tủa Chùa, chúng tôi được biết, đa phần hàng hóa đều được các chủ cơ sở lấy từ các mối quen ở thị trấn và huyện Tuần Giáo. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận, đôi lúc vẫn lấy một số mặt hàng của các đối tượng buôn hàng rong. Trong khi đó, việc kiểm soát đối với hình thức kinh doanh này hiện nay còn nhiều hạn chế. Ngoài việc buôn bán không có địa điểm cố định, thường xuyên di động khắp các địa bàn, sau khi giới thiệu, bán sản phẩm lại di chuyển đến địa điểm khác, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát; thì hiện nay chế tài xử lý vi phạm đối với hình thức kinh doanh này lại có nhiều kẽ hở.

Huyện Tủa Chùa hiện có 3 chợ phiên, hoạt động đều đặn mỗi tuần. Phần lớn hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân các khu vực lân cận đều tập trung tại các phiên chợ này. Ngoài các mặt hàng nông sản, thực phẩm bà con mang xuống chợ bán, thì nhiều tư thương cũng tranh thủ đưa các mặt hàng lên kinh doanh. Mặc dù việc kiểm soát tại các chợ phiên này vẫn được thực hiện hàng năm, song không thường xuyên và còn nhiều hạn chế. Trong số các vụ việc vi phạm 6 tháng đầu năm, có 2 vụ việc kinh doanh gian lận tại chợ phiên bị phát hiện. Ðáng chú ý, cả 2 vụ việc vi phạm liên quan đến làm giả mật ong - mặt hàng được xem là đặc sản tại địa phương.

Theo ông Ðỗ Thanh Tùng, Ðội trưởng Ðội quản lý thị trường số 9, để giảm thiểu hàng giả tại vùng cao, cần những giải pháp đồng bộ mang tính dài hạn. Nhưng trước mắt, phải tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn cách nhận biết hàng thật - hàng giả cho cả người tiêu dùng và người kinh doanh. Mặt khác, tổ chức tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh, trong đó chú trọng việc kiểm soát nguồn cung hàng hóa trên thị trường.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top