Việt Nam thu hút hơn 4,1 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong hơn 20 năm qua

09:27 - Thứ Ba, 03/07/2018 Lượt xem: 8455 In bài viết
Khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) cho Việt Nam với giá trị trên 4,1 tỷ USD trong thời gian từ năm 1996-2017 đã góp phần làm giảm bớt các khó khăn kinh tế xã hội ở những vùng có dự án, đồng thời giúp tăng cường hiểu biết, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với nhân dân các nước.

Trong hơn hai thập kỷ qua, vai trò của các tổ chức PCPNN, tổ chức xã hội được nâng cao trong cộng đồng các nước tài trợ và trên trường quốc tế. Đối với Việt Nam, quan hệ với các tổ chức PCPNN cũng được coi là một bộ phận của công tác đối ngoại nhân dân, gắn liền với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

 

Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban.

Ngày 24-5-1996, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ được thành lập. Đây là tiền thân của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (gọi tắt là Ủy ban) hiện nay.

“Ủy Ban này là một cơ quan rất đặc thù của Việt Nam, bao gồm các thành viên là các bộ, ban, ngành có liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân và quản lý đối với các tổ chức PCPNN”, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban cho biết.

Cũng theo ông Bùi Thanh Sơn, trong thời gian qua, Ủy ban đã chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức từ Trung ương đến địa phương về tầm quan trọng của công tác PCPNN hay tranh thủ viện trợ của các tổ chức PCPNN.

“Tăng cường công tác với các tổ chức PCPNN làm tăng cường thêm quan hệ hợp tác của Việt Nam với nhân dân trên thế giới, đồng thời giúp chúng ta tranh thủ nguồn lực quan trọng nhằm đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”, ông Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cơ quan thường trực Ủy ban, giá trị viện trợ PCPNN giải ngân cho Việt Nam tăng từ 79 triệu USD vào năm 1996 lên mức 304,7 triệu USD vào năm 2011 (năm có giá trị giải ngân cao nhất) và 279,9 triệu USD vào năm 2017. Tổng giá trị viện trợ PCPNN giải ngân cho Việt Nam từ năm 1996-2017 đạt trên 4,1 tỷ USD.

Theo ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký phụ trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, 4,1 tỷ USD viện trợ tuy không lớn so với GDP, nhưng là một nguồn lực có ý nghĩa, giúp giải quyết một phần khó khăn về kinh tế, xã hội, giảm nghèo, phát triển bền vững ở nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương có dự án.

Cũng theo ông Đôn Tuấn Phong, với việc Việt Nam hiện nay đã trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp, các nhà tài trợ quốc tế đang có xu hướng giảm ưu tiên của mình. Trong bối cảnh đó, nguồn lực cho các hoạt động của các tổ chức PCCNN sẽ bị ảnh hưởng, nguyên do là một phần nguồn lực của các tổ chức PCPNN đến từ nguồn ODA viện trợ không hoàn lại.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký phụ trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam khẳng định, tác động của việc cắt giảm ODA đến viện trợ PCP ở Việt Nam không quá lớn. “Nguồn lực cơ bản của các tổ chức PCPNN chủ yếu đến từ chính các tổ chức này, đến từ công chúng, các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư tư nhân...”, ông Đôn Tuấn Phong cho hay.

Trong những năm qua, hoạt động viện trợ của các tổ chức PCPNN được triển khai rộng rãi tại 63 tỉnh, thành phố trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế xã hội, giáo dục-đào tạo, tài nguyên môi trường, xây dựng năng lực tổ chức và hỗ trợ tư pháp... Viện trợ PCPNN chủ yếu tập trung cho khu vực đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ...

Theo ông Đôn Tuấn Phong, khắc phục hậu quả chiến tranh, tẩy độc chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân, ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là các lĩnh vực được ưu tiên trong thời gian tới.

“Sau khi đến với Việt Nam, hiểu hơn về Việt Nam, bạn bè quốc tế sẽ tuyên truyền rộng rãi hơn về một đất nước Việt Nam đang đổi mới, đang phát triển với đời sống ngày càng thịnh vượng cùng chính sách ngày càng cởi mở. Qua đó, các nhà bảo trợ (cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan chính phủ...) sẽ nhận được những thông tin nhất định về tình hình của Việt Nam cùng những khó khăn thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, để từ đó duy trì nguồn lực cho các chương trình của họ tại đây”, ông Đôn Tuấn Phong cho biết.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top