Trồng rừng phòng hộ

Chậm do phân bổ vốn muộn

08:26 - Thứ Năm, 05/07/2018 Lượt xem: 10050 In bài viết
ĐBP - Năm 2018, tỉnh ta có kế hoạch trồng mới 400ha rừng phòng hộ tập trung. Tuy nhiên, đến mùa vụ trồng rừng nhưng chưa có vốn nên các đơn vị đều tạm dừng triển khai. Chỉ đến khi UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện khối lượng trồng rừng phòng hộ năm 2018 theo chỉ tiêu đã giao thì các huyện mới gấp rút tổ chức thực hiện trong khi mùa trồng rừng chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc.

Tại Quyết định số 1972/QÐ-BKHÐT ngày 29/12/2017 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, năm 2018, Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh Ðiện Biên được giao 3,326 tỷ đồng. Số vốn này sau khi cân đối chỉ đủ thực hiện các công trình chuyển tiếp từ năm 2017 sang và bố trí hạng mục trồng rừng thay thế một số công trình công cộng. Như vậy, không có vốn để thực hiện chỉ tiêu trồng mới rừng phòng hộ tập trung. Trong khi đó, Quyết định 1220/QÐ-UBND ngày 9/12/2017 của UBND tỉnh giao chỉ tiêu trồng mới 400ha rừng phòng hộ tập trung (nhu cầu vốn khoảng 12,54 tỷ đồng) nhưng chưa được bố trí nguồn vốn để thực hiện.

 

Cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mường Chà chuẩn bị cây giống trồng rừng năm 2018. Ảnh: Phạm Trung

Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho biết: Triển khai kế hoạch trồng rừng năm nay có bất cập là đến đầu tháng 6 khi mùa trồng rừng đã qua 1 tháng nhưng vẫn chưa có thông báo về vốn nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thể chỉ đạo các đơn vị thực hiện thiết kế trồng 400ha rừng. Trong khi đó, nguồn vốn kết dư của Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh năm 2016 đang còn khoảng 14,5 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn này không được phép sử dụng theo quy định tại Văn bản số 10532/BKHÐT-KTÐPLT của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư. Theo tính toán, để trồng đủ diện tích 400ha cần khoảng 20 vạn cây giống, cùng với đó là tiền thuê thiết kế, trả công người dân trồng, chăm sóc rừng. Do đó, chưa có vốn, các đơn vị chưa thể triển khai thực hiện.

Cùng quan điểm, nhiều chủ đầu tư chia sẻ rằng chưa có vốn thì chưa dám thực hiện vì không có tiền thuê đơn vị tư vấn, mua cây giống; và quan trọng hơn là không có tiền trả cho người dân theo đúng chính sách thì sẽ mất lòng tin, sau này triển khai trồng rừng rất khó. Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Mạnh Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh không thiếu vốn, vấn đề là thời điểm trồng rừng nguồn vốn chưa được phân bổ. Nguyên nhân là do những năm trước, tỷ lệ giải ngân vốn thấp nên hàng năm UBND tỉnh đều phải làm văn bản đề nghị kéo dài và điều chuyển nguồn vốn kết dư sang những năm tiếp theo trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Cụ thể, năm 2016, Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Ðiện Biên được Trung ương giao 25 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2016, khối lượng thực hiện và thanh toán là 3,9 tỷ đồng, số vốn kết dư 21,099 tỷ đồng. Năm 2017, Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Ðiện Biên không được Trung ương giao vốn bởi vì theo quy định tại Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 8/7/2016 của Chính phủ đối với các dự án đến ngày 30/9/2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016 sẽ không được bố trí kế hoạch vốn năm 2017. Ðể triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2017, tại Văn bản số 4311/BKHÐT-TH ngày 26/5/2017 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã cho phép kéo dài số vốn kết dư 21,099 tỷ đồng năm 2016 sang thực hiện năm 2017. Tuy nhiên, hết năm 2017, khối lượng thực hiện và thanh toán của tỉnh cũng chỉ đạt 6,63 tỷ đồng, vốn kết dư là 14,469 tỷ đồng. Năm 2018, tỉnh ta được phân bổ 3,326 tỷ đồng trong khi nhu cầu vốn là 15,382 tỷ đồng. Hiện nay, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề nghị kéo dài và điều chuyển nguồn vốn kết dư Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững từ năm 2016 sang 2018.

Ðể góp phần hoàn thành Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh, đồng thời đảm bảo tiến độ và thời vụ trồng rừng theo mục tiêu đã giao, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1570/UBND-KTN về việc tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện khối lượng trồng rừng phòng hộ năm 2018. Trong đó yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện khối lượng trồng rừng phòng hộ tập trung năm 2018 theo chỉ tiêu kế hoạch đã giao tại Quyết định số 1220/QÐ-UBND tỉnh, ngày 11/12/2017. Ðối với nguồn kinh phí, sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho phép kéo dài và điều chuyển nguồn vốn kết dư Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2016 sang năm 2018, UBND tỉnh sẽ xem xét bổ sung vốn cho các huyện hoặc sẽ tìm kiếm nguồn vốn hợp pháp khác bổ sung để các huyện thực hiện nhiệm vụ trồng rừng năm 2018. Sau khi có hướng dẫn của UBND tỉnh, Chi cục Lâm nghiệp đã tập trung chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ban quản lý rừng phòng hộ 3 huyện: Mường Chà, Tuần Giáo và Ðiện Biên khẩn trương tổ chức thiết kế, chạy đua với thời gian phấn đấu hoàn thành mục tiêu trồng 400ha rừng phòng hộ tập trung.

Năm 2018, huyện Tuần Giáo có kế hoạch trồng mới 120ha rừng, trong đó: 70 ha rừng phòng hộ và 50ha rừng sản xuất với loại cây chủ yếu là cây keo, mỡ. Ðể hoàn thành kế hoạch trồng rừng, ngay từ đầu tháng 12/2017, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo đã tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích trồng rừng của huyện; phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân đăng ký trồng rừng, thuê đơn vị thiết kế và tổ chức ươm cây giống. Tuy nhiên, đầu tháng 5/2018, huyện Tuần Giáo đã khảo sát thực địa xong, nhưng kinh phí chưa phân bổ buộc phải tạm dừng lại. Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo cho biết: Sau khi có hướng dẫn của UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện khối lượng trồng rừng phòng hộ năm 2018, Ban đã thuê đơn vị thiết kế và tổ chức cho người dân đào hố, phát cây giống để triển khai trồng rừng tập trung trong tháng 7/2018.

Nhật Phương
Bình luận
Back To Top