Nợ đọng trong thực hiện Dự án Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

08:27 - Thứ Năm, 05/07/2018 Lượt xem: 9960 In bài viết
ĐBP - Ngày 22/4/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 221/QÐ-UBND về việc giao chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Hết thời gian thực hiện, cơ bản chỉ tiêu đề ra đều đạt; toàn tỉnh đã cấp 231.162 GCNQSDÐ cho các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân với diện tích 563.013,78ha, đạt 87,7% so với diện tích cần cấp (tính đến tháng 1/2014). Song quá trình thực hiện vẫn có những huyện thực hiện hạn chế gây nợ đọng lớn.

Nợ đọng lớn!

Cùng triển khai Quyết định 221/QÐ-UBND, tính đến thời điểm này 9 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành các chỉ tiêu, riêng huyện Nậm Pồ không thuộc phạm vi quyết định) được giao. Chỉ còn 2 huyện: Mường Chà và Tuần Giáo là nợ đọng.

 

Bản Mường Mươn 2, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) đã được đo đạc, phê duyệt bản đồ địa chính từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp GCNQSDÐ.

Thực hiện Quyết định số 221 của UBND tỉnh, UBND huyện Tuần Giáo đã khẩn trương thực hiện lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán; lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu; lập và phê duyệt kế hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu và tổ chức thực hiện các gói thầu đo đạc trực tiếp lập bản đồ địa chính và cấp GCNQSDÐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc các xã, thị trấn huyện Tuần Giáo. Ðến nay, các đơn vị tư vấn đã hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, trình Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận bản đồ làm cơ sở đăng ký đất đai, cấp GCNQSDÐ. Tổng diện tích đã đo đạc là 4.683,88ha. Có 11 xã và thị trấn đã thực hiện kê khai đăng ký cấp GCNQSDÐ với 12.879 hồ sơ, diện tích là 3.838,01ha và 5 xã chưa thực hiện kê khai: Chiềng Sinh, Chiềng Ðông, Nà Sáy, Mường Khong, Mường Thín. Dự án được chia thành 3 gói thầu, tổng giá trị hợp đồng 29,317 tỷ đồng. Ðến nay, giá trị thực hiện các gói thầu đạt 18,3 tỷ đồng (chiếm 62% giá hợp đồng) song nguồn kinh phí mới được bố trí 1,5 tỷ đồng, đạt 5,12% giá hợp đồng và 8,2% khối lượng thực hiện. Nghĩa là, huyện Tuần Giáo đang nợ các đơn vị tư vấn 16,8 tỷ đồng. Hiện nay, do thiếu kinh phí, không được tạm ứng hoặc thanh toán khối lượng công việc hoàn thành nên các đơn vị tư vấn gần như tạm dừng thực hiện Dự án. Do đó, sau hơn 5 năm, huyện Tuần Giáo vẫn chưa thể cho ra sản phẩm là GCNQSDÐ để cấp cho người dân.

Tương tự, huyện Mường Chà cũng đã xây dựng kế hoạch, lên đề cương dự toán cho diện tích cần đo đạc là 3.200ha thuộc 8 xã trên địa bàn (trừ 3 xã: Sá Tổng, Huổi Mí, Hừa Ngài và thị trấn Mường Chà). Tổng dự toán thực hiện là 13 tỷ đồng. Ðến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt bản đồ địa chính đối với 1.900ha (đạt 59,4%), đã thực hiện cấp 2.400 GCNQSDÐ cho 1.175 hộ gia đình, cá nhân. Tổng giá trị thực hiện 7,5 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn mới giải ngân được 1 tỷ đồng, nợ đọng 6,5 tỷ đồng. Hiện nay, các nhà thầu không còn mặn mà với dự án, tiến độ công việc vẫn “dậm chân tại chỗ”

Khó bài toán kinh phí

Trong rất nhiều cuộc làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cuộc giám sát của HÐND tỉnh, UBND 2 huyện Mường Chà và Tuần Giáo nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh phân vốn để chi trả cho các đơn vị tư vấn, giải quyết nợ đọng và hoàn thành khối lượng công việc còn lại. Tuy nhiên, đến nay, kinh phí vẫn chưa được bổ sung, tiến độ công việc vẫn ngừng trễ.

Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Quyết định 221 và tham mưu cho UBND tỉnh xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ông Ngôn Ngọc Khuê, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Thực hiện Quyết định số 221/QÐ-UBND, không hẳn các huyện, thị xã, thành phố khác không có nợ đọng như 2 huyện Mường Chà và Tuần Giáo. Nhưng điểm khác là, hàng năm, các huyện đều cân đối được nguồn vốn để trả nợ còn Mường Chà và Tuần Giáo thì không. Cụ thể, năm 2008, tỉnh Ðiện Biên triển khai thực hiện Dự án Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu về đất đai trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tổng mức đầu tư là 873 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh đối ứng 1 tỷ đồng/năm. Ðến năm 2012, Dự án này được điều chỉnh bổ sung. Thời điểm đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên thực hiện Dự án tại 4 huyện nghèo và TP. Ðiện Biên Phủ. Năm 2013, UBND tỉnh ra Quyết định 221/QÐ-UBND thì 4 huyện nghèo: Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa, Mường Ảng và Mường Nhé đã lồng ghép nguồn vốn 2 dự án chung mục tiêu để thực hiện song song. Do đó, hàng năm, các huyện vẫn có nguồn để chi trả cho các đơn vị tư vấn. Thị xã Mường Lay diện tích nhỏ và sử dụng hoàn toàn nguồn vốn Dự án Tái định cư thủy điện Sơn La để thực hiện Quyết định 221/QÐ-UBND. Ðối với huyện Ðiện Biên, do trước đó đã tổ chức đo đạc, cấp GCNQSDÐ cơ bản nên khi triển khai thực hiện kinh phí không đáng kể.

Trong chuyến giám sát chuyên đề về “Việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2015” của Thường trực HÐND tỉnh tại huyện Mường Chà, lãnh đạo UBND huyện đã kiến nghị với đoàn giám sát về nguồn kinh phí để thực hiện Quyết định số 221/QÐ-UBND. Sau đó, đại diện Sở Tài chính đã trả lời: Sở Tài chính đã tham mưu trình UBND tỉnh quyết định bổ sung kinh phí cho các đơn vị thực hiện chỉ tiêu cấp GCNQSDÐ: huyện Mường Chà 1 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng cho huyện Tuần Giáo. Số kinh phí còn lại, các huyện phải tự cân đối từ ngân sách địa phương. Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Quang Trung, Giám đốc Sở Tài chính khẳng định: Sở đã trả lời rõ với 2 huyện Mường Chà và Tuần Giáo là tỉnh không có nguồn kinh phí bổ sung. Nguồn kinh phí thực hiện Quyết định 221/QÐ-UBND, các huyện sử dụng nguồn kinh phí ngân sách địa phương từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Văn phòng Ðăng ký quyền sử dụng đất huyện Mường Chà cho biết: Từ năm 2014 đến nay, UBND huyện Mường Chà không thể cân đối nguồn để thanh toán nợ đọng và tiếp tục thực hiện các gói thầu. Bởi vì, nguồn thu trên địa bàn rất hạn chế. Nếu UBND tỉnh không tiếp tục cấp bổ sung kinh phí thì huyện cũng đành chịu dự án dở dang. Còn theo ông Bùi Quang Liên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuần Giáo thì trong Quyết định 221/QÐ-UBND, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện sử dụng ngân sách địa phương từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, các nguồn này huyện được giữ lại, tái đầu tư vào huyện rất ít, trong khi có rất nhiều chương trình đều trông vào nguồn này. Ðơn cử như tiền thu từ đấu giá đất, huyện không thể tự ý sử dụng để thực hiện Quyết định số 221/QÐ-UBND. Phần lớn nguồn tiền này dành để tái đầu tư cho xã, thị trấn có đất đấu giá. Nếu sử dụng nguồn này để trả nợ đọng và tiếp tục các gói thầu thì UBND tỉnh phải ra thông báo cho phép huyện Tuần Giáo sử dụng thì mới giải quyết được. Nếu không huyện rất khó khăn và chưa có giải pháp để giải quyết dứt điểm vấn đề nợ đọng trong thực hiện chỉ tiêu cấp GCNQSDÐ.

Khi bài toán kinh phí đang là vấn đề nan giải đối với 2 huyện Mường Chà và Tuần Giáo thì bên chịu nhiều thiệt thòi nhất là các đơn vị tư vấn và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được thụ hưởng Quyết định số 221/QÐ-UBND. Các đơn vị tư vấn đã phải bỏ ra nhiều công sức, kinh phí để thực hiện dự án nhưng mới chỉ được ứng 7 - 8% vốn, số còn lại chưa biết bao giờ mới được thanh toán. Các tổ chức và hộ gia đình, các nhân đã đo đạc hơn 5 năm nay lại tiếp tục phải chờ để được cấp GCNQSDÐ.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top