Tự tạo việc làm để có cuộc sống ấm no

09:20 - Thứ Năm, 05/07/2018 Lượt xem: 10116 In bài viết
ĐBP - Mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sau học nghề, ông Ðiêu Văn Hinh, bản Tân Lập được người dân trong xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) biết đến là điển hình của việc chiến thắng đói nghèo, vươn lên làm kinh tế. Thực hiện mô hình trồng và chế biến nấm để tự tạo việc làm, tăng thu nhập sau khi học nghề đã giúp gia đình ông Hinh có cuộc sống đủ đầy, ấm no.

 

Nông dân xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) học nghề trồng nấm rơm, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn vững chãi khá đủ đầy tiện nghi hiện đại phục vụ cuộc sống, ông Hinh cho biết: Không chỉ gia đình ông mà nhiều hộ trong bản trước đây chỉ quen lên rừng hái nấm về ăn thôi chứ bảo học kỹ thuật trồng nấm thì khó quá. Nghề này không quá xa lạ với người dân nhưng cụ thể cách trồng nấm ra sao để nấm rơm bật mầm cho năng suất đem lại hiệu quả thì chúng tôi lại không biết. Chính vì vậy, năm 2016 khi biết có chương trình học nghề trồng và chế biến nấm do Phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện Nậm Pồ phối hợp với xã Si Pa Phìn tổ chức, ông Hinh là một trong những hộ đầu tiên trong xã đăng ký tham gia. Mục đích ban đầu chỉ là muốn biết cách trồng nấm để có thể chủ động được nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn gia đình thay vì phải dựa vào khai thác từ tự nhiên như trước. Trong quá trình học nghề, được giáo viên trực tiếp hướng dẫn lý thuyết kết hợp với thực hành trên mô hình sản xuất nấm ăn tại bản, ông Hinh cùng các học viên khác đã nắm vững kiến thức, quy trình trồng nấm từ khâu chọn nguyên liệu, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản, chế biến nấm sau thu hoạch. Vì vậy, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, gia đình ông Hinh chủ động tích trữ rơm khô để đủ nguyên liệu làm nấm ăn cho tới vụ kế tiếp. Với mức giá nấm rơm bán trên thị trường từ 45.000 - 50.000 đồng/kg nấm tươi, trừ chi phí mỗi tháng ông Hinh thu khoảng 3,5 triệu đồng tiền bán nấm. Ðiều ông Hinh phấn khởi đó là nhờ học nghề trồng nấm không chỉ giúp gia đình có thu nhập khá ổn định, tránh được cảnh thiếu trước hụt sau như nhiều năm trước mà còn tạo được việc làm cho người thân trong thời gian nông nhàn. Với những nông dân quanh năm quen với ruộng đồng gắn với vườn rừng thì kỹ thuật trồng và khai thác rừng được xem là một trong những nghề được khá nhiều người đăng ký học. Và sau học nghề họ đã tích cực trồng rừng kinh tế, như nông dân ở các huyện: Mường Nhé, Mường Ảng... đã và đang thực hiện, bước đầu được đánh giá khá thành công. Ðiển hình, như gia đình anh Và A Chí, Vừ A Say ở xã Mường Toong, Sùng Go Lòng ở xã Leng Su Sìn, anh Mùa A Binh ở xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé)... Sau khi học nghề trồng và khai thác rừng, năm 2017 các hộ đều nhận trồng 2ha rừng keo tai tượng. Trong những năm đầu trồng keo chưa có thu nhập, tận dụng đất dưới tán rừng các hộ đã trồng các cây ngắn ngày, như: Lạc, lúa nương, ngô… để tăng thu nhập. Cách làm này không chỉ giúp các thành viên trong mỗi gia đình có việc làm mà còn tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, cải thiện cuộc sống.

Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, thời gian qua các địa phương trong toàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề, nhất là nghề nông nghiệp. Việc khuyến khích nông dân học nghề không chỉ giúp bà con nâng cao năng suất trên cùng diện tích canh tác mà quan trọng là nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề để ứng dụng vào thực tế. Xác định vấn đề này trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương, nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra mục tiêu, mỗi năm có từ 7.800 - 8.000 lao động được đào tạo nghề. Thực tế cho thấy, đặc thù của tỉnh phần lớn người học nghề là lao động nông thôn và trong đó lao động học nghề nông nghiệp là chủ yếu (chiếm hơn 76%). Chính vì vậy, mục tiêu tăng tỷ lệ lao động tự tìm việc làm, nâng cao thu nhập sau học nghề cũng chính là vấn đề cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Ðể thực hiện được mục tiêu đó thì nâng chất lượng đào tạo, tăng hàm lượng, thời lượng thực hành để học viên là những người nông dân trực tiếp tham gia vào các mô hình sản xuất học tập là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Cùng với đó là cần giải quyết khó khăn về vốn đầu tư cho lao động nông thôn tự tạo việc làm, mở rộng quy mô sản xuất. Tháo gỡ khó khăn này, vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chính sách hỗ trợ 100% lãi suất cho lao động nông thôn vay vốn học nghề làm việc ổn định tại địa phương. Từ đó khuyến khích lao động nông thôn vay vốn học nghề để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề đã được học, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top