Cải thiện chỉ số “dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”

08:39 - Thứ Tư, 11/07/2018 Lượt xem: 9279 In bài viết
ĐBP - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Ðiện Biên đạt 60,57 điểm (tăng 4,09% điểm); vươn lên xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2016. Nhiều chỉ số thành phần được cải thiện tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Trong số 8/10 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2016, thì chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng cao (với số điểm tăng thêm 1,38). Ðiều này tiếp tục chứng tỏ chất lượng của chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của Ðiện Biên đã và đang hấp dẫn các nhà đầu tư.

Hiện có 1.130 doanh nghiệp và 180 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động tại địa phương có mặt hầu khắp trong các lĩnh vực kinh tế, chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, thì việc cải thiện chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp càng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng khả năng tiếp cận thông tin, thị trường; đặc biệt là tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Sức hấp dẫn của chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp được khẳng định thời gian qua là nhờ sự nỗ lực không nhỏ của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn các quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp (tư vấn, giải đáp vướng mắc về thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục đăng ký kê khai thuế, nộp thuế...). Từ năm 2017 đến nay UBND tỉnh đã tổ chức 3 hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước lắng nghe, nắm tâm tư, nguyện vọng cũng như trả lời những vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; giao cho các cấp, ngành nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý, giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh. Ðây cũng là dịp để các doanh nghiệp, nhà đầu tư được tiếp cận đầy đủ thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh; các chủ trương, chính sách, pháp luật của tỉnh trong ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, để xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp còn được đánh giá cao trên phương diện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, khai thác nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng trên địa bàn đã chủ động cân đối các nguồn vốn cho vay, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đi đôi với mở rộng tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên vốn cho vay sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ khu vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp, các dự án, phương án có hiệu quả tại tỉnh. Ðổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm phiền hà cho khách hàng vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, đồng thời nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Nhờ đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thêm nhiều lượt doanh nghiệp đã được tiếp cận vốn vay để thúc đẩy sản xuất kinh doanh với số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng dư nợ hàng năm.

Tuy nhiên, do doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, vì thế vấn đề tháo gỡ khó khăn về vốn luôn được các doanh nghiệp quan tâm, nhất là với các nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp. Ông Hoàng Giang, Giám đốc Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên cho biết: Phần lớn doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp. Do doanh nghiệp nhỏ hạn chế về nguồn lực tài chính và tài sản thế chấp. Vì vậy, điều chúng tôi mong muốn là ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu, mở rộng các hình thức cho vay ngoài vay thế chấp có tài sản đảm bảo. Thêm một vấn đề “sống còn” đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đó là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản không ổn định, rơi vào tình trạng “không có thì thiếu, sản xuất thì thừa”. Vì thế tạo dựng, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm thương mại là vô cùng quan trọng để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm hiểu thị trường, từ đó xác định đúng nhu cầu của thị trường để có chiến lược sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Tiếp tục cải thiện chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp trong tổng thể đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp, người dân dưới nhiều hình thức, nâng cao chất lượng công tác đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp; hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp phải đi lại nhiều cơ quan mới được giải quyết các hồ sơ, thủ tục. Ðẩy mạnh việc triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường sự trợ giúp pháp lý, tạo sự cam kết, nhất quán và định hướng dài hạn trong môi trường đầu tư của doanh nghiệp. Như Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn đã khẳng định tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn vào đầu tháng 1/2018 vừa qua: Ðiện Biên cam kết nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư, luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp; là chỗ dựa vững chắc về mặt pháp lý cho doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top