Ðể hạt gạo xứng danh đất “Mường trời”

08:46 - Thứ Năm, 12/07/2018 Lượt xem: 10687 In bài viết
ĐBP - Mảnh đất Ðiện Biên được thiên nhiên ưu đãi với cánh đồng Mường Thanh nổi tiếng rộng lớn đứng đầu khu vực Tây Bắc. Chẳng thế mà dân gian có câu: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Từ cánh đồng Mường Thanh, hạt gạo Ðiện Biên “nức tiếng” khắp cả nước bởi độ thơm ngon, dẻo, ngọt. Song sự nổi tiếng lại không đồng hành với ý thức xây dựng và bảo vệ “thương hiệu” từ chính người sản xuất, vô tình khiến gạo Ðiện Biên mất dần uy tín khi bị giả danh, pha trộn. Làm sao để hạt gạo xứng danh mảnh đất “Mường trời” hiện đang là bài toán được ngành Nông nghiệp địa phương nỗ lực tìm lời giải.

Nhập nhằng thật - giả

“Mua gạo Ðiện Biên không khó, có hàng trăm cửa hàng kinh doanh gạo rải khắp thành phố. Song thật khó để chọn lựa được gạo ngon đúng chuẩn” - đó là chia sẻ của không ít người tiêu dùng hiện nay khi có nhu cầu mua gạo Ðiện Biên, nhất là đối với du khách từ nơi khác đến. Phường Mường Thanh - là nơi tập trung khá nhiều cơ sở và cửa hàng kinh doanh mặt hàng gạo đặc sản Ðiện Biên. Tuy nhiên, người mua dễ dàng có cảm giác như rơi vào “ma trận”, khi gạo được bày bán với nhiều chủng loại và đa dạng về mẫu mã, cũng như cách thức đóng gói tất cả đều được chủ cửa hàng giới thiệu là gạo đặc sản Ðiện Biên.

 

Nông dân huyện Ðiện Biên thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh.

Theo một chủ cửa hàng nằm trên tổ dân phố 8, phường Mường Thanh, cho biết: Với những người mua về làm quà biếu thì hay chọn loại đóng sẵn, có nhãn mác cho trang trọng và đẹp mắt. Còn phần lớn khách mua về sử dụng cho gia đình thì thường lấy loại không đóng gói sẵn, với lý do gạo ngọt vị hơn. Trước những thắc mắc về việc làm sao biết rõ nguồn gốc của những bao gạo không nhãn mác, chủ cửa hàng giải thích: Gạo Ðiện Biên thì chỉ trồng ở Ðiện Biên chứ ở đâu. Ở đây tôi chủ yếu bán cho người quen, ăn rồi thì sau cứ thế mà mua không cần hỏi. Quan trọng là phải có niềm tin, cứ mua một lần dùng thử, thấy ngon thì lần sau quay lại. Ðây cũng chính là cách mua gạo mà đa phần người dân Ðiện Biên hiện nay đang áp dụng. Tuy nhiên, với du khách mới đến Ðiện Biên lần đầu thì lấy gì làm đảm bảo? Hoặc đối với gạo xuất khẩu không lẽ vẫn cứ chứng minh bằng niềm tin?!

Trao đổi về thực trạng này, đại diện ngành chủ quản là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở cũng thừa nhận: Hiện nay gạo Ðiện Biên đã phân phối khắp các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, việc “phủ sóng” ấy không đồng nghĩa với chất lượng, một số nơi gạo không ngon như danh tiếng vốn có và không chứng minh được nguồn gốc. Chính vì thế, tiếng tăm có được mới chỉ theo góc độ truyền miệng, mà chưa xây dựng được thương hiệu bền vững.

Từng bước nâng cao giá trị

Phần lớn gạo Ðiện Biên hiện nay được sản xuất tại cánh đồng Mường Thanh, với diện tích trên dưới 4.300ha, trong đó có khoảng 2.000ha sản xuất hàng hóa. Mặc dù diện tích lớn, song nông dân đa phần vẫn giữ lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Ngay từ khi gieo trồng đã không thống nhất về giống, phương pháp và thời điểm canh tác, khiến gạo bị lai tạp, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; hoặc giống được sử dụng liên tục từ vụ này sang vụ khác, dẫn đến thoái hóa và làm giảm chất lượng. Trong khi đó, quá trình thu mua, vận chuyển, phân phối gạo chưa được kiểm soát chặt chẽ, vì lợi nhuận không tránh khỏi việc các tư thương gian lận trong kinh doanh, sản phẩm cung cấp ra thị trường mang tên gạo Ðiện Biên, song thực chất lại bị pha trộn, chất lượng so với sản phẩm gốc. Ðó là những nguyên nhân khiến chất lượng gạo ngày một đi xuống và ảnh hưởng lớn đến thương hiệu gạo đặc sản Ðiện Biên.

 

Các sản phẩm gạo sản xuất theo chuỗi được bày bán tại cửa hàng Safe Green hiện nay đã được in mã CODE để người tiêu dùng có thể truy suất nguồn gốc.

Chính vì vậy, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp địa phương xác định việc xây dựng thương hiệu gạo Ðiện Biên một cách bền vững và nâng cao giá trị hạt gạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. Trong đó, việc thay đổi lối canh tác cho nông dân được đặt lên hàng đầu, thông qua các khóa tập huấn nâng cao kiến thức trong sản xuất, từng bước chuyển đổi từ gieo vãi sang hiệu ứng hàng biên, sử dụng máy cấy kéo tay... phối hợp với một số công ty giống có uy tín trong nước để thực hiện phục tráng và tập trung sản xuất 2 giống lúa có ưu thế, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng là IR64 và Bắc thơm số 7... nhằm khắc phục phần lớn các hạn chế về thời gian, công sức, hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm trước khi cung ứng ra thị trường.

Ðể đảm bảo hạt gạo chất lượng đến tay người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp đã tập trung hướng mạnh các hoạt động thanh, kiểm tra vào các cơ sở xay xát chế biến gạo. Theo thống kê hiện có 430 cơ sở được giám sát thường xuyên, trong đó 38 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Từ đầu năm đến nay, cơ quan chuyên môn của Sở cũng tiến hành lấy 22 mẫu gạo ngẫu nhiên tại các cơ sở này để kiểm nghiệm, kết quả cho thấy tất cả đều âm tính với các chỉ tiêu (tức là cơ bản đạt chuẩn chất lượng).

“Chìa khóa” phát triển bền vững

Thực tế cho thấy, vấn đề chất lượng gạo liên quan đến tất cả các khâu, từ sản xuất cho đến chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm; nếu chỉ giải quyết tốt một trong số các khâu này thì cũng giống như diệt cỏ mà chỉ cắt đi phần ngọn. Với quy mô phát triển ngày một lớn, thì việc thực hiện các cuộc thanh, kiểm tra của ngành chủ quản mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu thực tế. Chính bởi vậy, muốn gạo Ðiện Biên xứng danh với tên gọi và có thể phát triển được bền vững thì phải kiểm soát chặt chẽ tất cả các công đoạn sản xuất. Và một giải pháp có thể xem là “chìa khóa” được địa phương xác định, đẩy mạnh triển khai thực hiện thời gian gần đây đó là sản xuất theo chuỗi an toàn, tức là tăng cường sự liên kết trong sản xuất theo hình thức cánh đồng lớn.

Với hướng đi này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện và mở rộng nhiều chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) cùng tham gia. Cho đến nay, đã có 3 đơn vị tiên phong đi đầu là Công ty TNHH Safe Green, HTX Thanh Yên và HTX Nông nghiệp chất lượng cao bản Mé, với tổng diện tích dự kiến thực hiện đến năm 2018 là khoảng 150ha. Riêng 2 đơn vị là Công ty TNHH Safe Green và HTX Thanh Yên sau khi được cấp chứng nhận sản xuất theo chuỗi vào năm 2017, với quy mô 46ha và 103 hộ dân tham gia; thì đến nay, sau 3 vụ sản xuất, quy mô đã tăng lên 85ha, với 137 hộ tham gia.

Chị Hoàng Thị Uyên, Quản lý bán hàng Công ty TNHH Safe Green, cho biết: Với việc tham gia các chuỗi sản xuất này, người dân buộc phải tuyệt đối tuân thủ đúng các yêu cầu quy định sản xuất đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP). Ðổi lại, chúng tôi có trách nhiệm tìm, lựa chọn các địa chỉ cung ứng giống rõ ràng, uy tín, đảm bảo độ thuần cao, chất lượng tốt; hướng dẫn người dân quy trình sản xuất an toàn; đảm bảo về giá cả thu mua phù hợp, không ép giá và cam kết thu mua ổn định. Hai bên cùng có trách nhiệm và ràng buộc với nhau bằng những cam kết của hợp đồng, nên chúng tôi tự tin với sản phẩm khi cung ứng ra thị trường đều đạt chuẩn chất lượng, và trên thực tế, hiện nay phần lớn người tiêu dùng đã tin tưởng, yên tâm lựa chọn.

Ngoài các ràng buộc mang tính pháp lý, để đảm bảo các bên thực hiện theo đúng cam kết thì ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn là Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản có trách nhiệm kiểm soát toàn bộ quá trình từ nguồn gốc giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác, sơ chế biến và lấy mẫu kiểm định chất lượng, nhằm phát hiện kịp thời hộ dân nào không tuân thủ đúng các yêu cầu, có nguy cơ gây mất ATTP để có cảnh báo và biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo mỗi hạt gạo được cung ứng ra thị trường theo chuỗi sản xuất này đều phải đảm bảo về chất lượng và ATTP.

Hiện nay, các dòng sản phẩm được sản xuất theo chuỗi đã có mặt khắp các cửa hàng kinh doanh gạo, siêu thị tiêu dùng trong tỉnh và vươn tới một số siêu thị lớn trên toàn quốc với thương hiệu: Tâm Sáng, Hương Việt... Sản phẩm cung ứng trên thị trường đều được đóng gói bao bì nhãn mác, có logo của đơn vị. Ðặc biệt, mới đây trên vỏ bao bì các sản phẩm gạo của Công ty TNHH Safe Green và HTX Thanh Yên, ngoài tiêu chuẩn chất lượng còn có mã CODE để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ðây có thể xem là một cuộc cải cách, cho thấy quá trình nỗ lực rất lớn của không chỉ địa phương về cơ chế, chính sách mà cả doanh nghiệp và nông dân, nhằm gây dựng uy tín và lòng tin đối với khách hàng; đồng thời có những bước tiến vững chắc mỗi ngày đưa thương hiệu gạo Ðiện Biên lên vị thế mới, bền vững hơn trong lòng người tiêu dùng cả nước.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top