Khó hoàn thành kế hoạch khoanh nuôi tái sinh rừng

09:18 - Thứ Năm, 12/07/2018 Lượt xem: 9954 In bài viết
ĐBP - Khoanh nuôi tái sinh rừng là một chỉ tiêu quan trọng trong Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, những năm qua, công tác này chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, chậm triển khai thực hiện khiến kế hoạch khoanh nuôi tái sinh rừng hàng năm không đạt.

Theo số liệu kiểm kê rừng năm 2017, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 126.000ha thuộc đối tượng đưa vào khoanh nuôi, tái sinh thành rừng. Thực hiện Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, hàng năm UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu khoanh nuôi tái sinh rừng cho từng huyện, thị xã, thành phố. Năm 2017, kế hoạch giao khoanh nuôi tái thành rừng là 13.800ha nhưng đến tháng 12/2017, nguồn vốn mới được phân bổ nên 100% địa phương đều không thực hiện được. Do đó, các địa phương đã dồn hết kế hoạch sang năm 2018 thực hiện. Năm 2018, theo kế hoạch giao, toàn tỉnh khoanh nuôi tái sinh thành rừng với 10.950ha. Như vậy, năm nay các huyện, thị xã, thành phố phải hoàn thành kế hoạch khoanh nuôi tái sinh tổng diện tích 24.750ha. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn dẫn đến chậm tiến độ.

 

Người dân bản Phô, xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) phát quang cây bụi, bảo vệ diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh.

Bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Những tháng đầu năm 2018, thực hiện kế hoạch khoanh nuôi tái sinh rừng, các địa phương gặp khó khăn về nguồn kinh phí lập hồ sơ giao khoán lần đầu và kinh phí quản lý hoạt động khoanh nuôi tái sinh rừng. Cụ thể: Nguồn kinh phí trung ương cấp trong 2 năm 2017 - 2018 là 54,2 tỷ đồng (trong đó, năm 2017 là 32,1 tỷ đồng, năm 2018 là 22,1 tỷ đồng), nguồn vốn kết dư năm 2016 là 2,7 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổng hợp, đề nghị Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ số vốn 59,328 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng cho các năm 2017 - 2018 (hỗ trợ bảo vệ rừng 82.537ha, khoanh nuôi tái sinh rừng 27.776ha, hỗ trợ gạo 298ha). Trong đó: 56,902 tỷ đồng kinh phí trung ương cấp để chi trả tiền công cho người dân nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng và chi phí quản lý hoạt động bảo vệ rừng là 2,426 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách địa phương đối ứng cho hạng mục lập hồ sơ giao khoán lần đầu (hạn mức 50.000 đồng/ha; năm 2017 là 1,752 tỷ đồng, năm 2018 là 674 triệu đồng). Tuy nhiên, do tỉnh không có nguồn kinh phí cân đối, bố trí nên không có vốn ngân sách địa phương cho hạng mục lập hồ sơ giao khoán lần đầu và chi phí quản lý hoạt động khoanh nuôi tái sinh rừng. Do đó, mặc dù nguồn vốn khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng đã được phân bổ từ đầu năm 2018 nhưng không có nguồn kinh phí lập hồ sơ giao khoán lần đầu nên các huyện, thị xã, thành phố chưa thể triển khai thực hiện.

Ðể giải quyết vấn đề này, ngày 17/4/2018, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 961/UBND - KT về việc bố trí kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung thực hiện Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Văn bản nêu rõ: các huyện, thị xã, thành phố chủ động cân đối bố trí từ dự toán chi thường xuyên được UBND tỉnh giao hàng năm phân theo cấp quản lý ngân sách hiện hành của tỉnh để thực hiện. Ðối với kinh phí thực hiện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì lập dự toán gửi về Sở Tài chính cùng thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm để tổng hợp, trình HÐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ, giao dự toán cho ngành thực hiện. Riêng năm 2018, để giảm bớt khó khăn cho các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh giao Sở Tài chính tổng hợp, rà soát nguồn kinh phí thực hiện chương trình các năm trước còn dư để tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng tự nhiên trên cơ sở chỉ tiêu khối lượng đã giao cho các huyện tại Quyết định 1290/QÐ-UBND và Quyết định 1221/QÐ-UBND. Kinh phí còn thiếu (nếu có) và kinh phí thực hiện nhiệm vụ này những năm tiếp theo các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm cân đối, bố trí từ dự toán được giao năm 2018 và hàng năm để thực hiện, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng. Sau đó, ngày 8/5/2018, UBND tỉnh ra Quyết định số 369/QÐ-UBND về việc bổ sung kinh phí cho các đơn vị để lập hồ sơ bảo vệ rừng tự nhiên thực hiện Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2017, 2018 với tổng kinh phí 2,284 tỷ đồng. Trong đó, huyện Mường Ảng 374 triệu đồng, Ðiện Biên 735 triệu đồng, Tuần Giáo 551 triệu đồng, Ðiện Biên Ðông 624 triệu đồng. Sau khi được tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí lập hồ sơ giao khoán lần đầu và kinh phí quản lý hoạt động khoanh nuôi tái sinh rừng, các huyện, thị xã, thành phố mới bắt đầu triển khai thực hiện. Ðến tháng 6/2018, toàn tỉnh mới thực hiện lập hồ sơ giao khoán lần đầu được 10.366ha, đạt 38,13% so với kế hoạch.

Theo kế hoạch, 2 năm 2017 - 2018, huyện Ðiện Biên được giao thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng với diện tích 5.500ha. Song đến nay, huyện Ðiện Biên vẫn chưa có khối lượng về lập hồ sơ giao khoán khoanh nuôi tái sinh rừng. Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Huyện đã phân bổ chi tiết vốn về UBND các xã theo quy định và chỉ đạo, hướng dẫn cấp xã tổng hợp, rà soát các diện tích thuộc đối tượng khoanh nuôi tái sinh rừng; tổ chức thiết kế, lập hồ sơ giao khoán lần đầu. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên UBND xã làm chủ đầu tư các công trình đầu tư lâm sinh nên chính quyền các xã còn lúng túng, triển khai thực hiện chậm.

Ông Lò Văn Ðôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên cho biết: Năm 2018, xã Hua Thanh được giao kế hoạch khoanh nuôi tái sinh 425ha rừng. Hiện nay, xã đang gặp nhiều khó khăn trong công tác lập hồ sơ giao khoán lần đầu nên chưa có khối lượng hoàn thành. Sắp tới, xã Hua Thanh sẽ nhờ Trung tâm Quy hoạch và thiết kế nông - lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giúp đỡ, hướng dẫn xã thực hiện thiết kế, lập hồ sơ để tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2018.

Khác với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, 2 huyện: Nậm Pồ và Mường Nhé được chủ động nguồn kinh phí từ nguồn dịch vụ môi trường rừng chưa có đối tượng chi trả năm 2011 - 2014 (Nậm Pồ 4,548 tỷ đồng; Mường Nhé 5,136 tỷ đồng) để thực hiện nhiệm vụ khoanh nuôi tái sinh rừng. Trong đó, huyện Nậm Pồ 5.000ha; huyện Mường Nhé 6.000ha. Tuy nhiên, đến nay số diện tích được đo đạc, lập hồ sơ giao khoán tại 2 huyện này vẫn rất khiêm tốn. Huyện Nậm Pồ mới đạt 2.500ha; huyện Mường Nhé đạt 300ha. Ông Trần Ðức Quyền, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ cho biết: UBND huyện đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo UBND các xã, cơ quan liên quan để quán triệt quan điểm, chủ trương của huyện về khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên và giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các xã thực hiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp một số khó khăn như: Diện tích đủ điều kiện khoanh nuôi tái sinh trên địa bàn huyện phần lớn là nương luân canh của người dân; ruộng nước rất ít, người dân muốn giữ đất nương để canh tác nên diện tích được khoanh nuôi tái sinh còn thấp. Hiện nay, UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo UBND các xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, phấn đấu cuối năm 2018 hoàn thành chỉ tiêu 5.000ha.

Ðại hội Ðảng bộ tỉnh khoá XIII đã ban hành Nghị quyết nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 42% vào năm 2020. Do đó, để hoàn thành chỉ tiêu trên các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện kế hoạch khoanh nuôi tái sinh rừng mới có thể hoàn thành mục tiêu Nghị quyết.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top