Cẩn trọng với áp lực lạm phát và các vấn đề thương mại quốc tế

10:33 - Thứ Năm, 12/07/2018 Lượt xem: 8979 In bài viết
Tình hình kinh tế thế giới sẽ có nhiều biến động nửa cuối năm 2018, điều này ít nhiều có tác động tới Việt Nam. Các chuyên gia đã đưa nhiều khuyến nghị tại Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2018 do Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức vừa qua.

Tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, việc Fed thắt chặt tiền tệ và sự phá giá của đồng CNY, việc tốt nhất Việt Nam có thể làm là giảm giá VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá đồng CNY so với USD. 

 

Việt Nam cần sẵn sàng ứng phó với biến động thương mại quốc tế.

Với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỉ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể đồng thời tận dụng hai thị trường lớn này để cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại.

Cũng theo đó, tình trạng hàng hóa Trung Quốc có thể đổ vào Việt Nam nhiều hơn trong diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cần được chuẩn bị quản lý tốt hơn, nhằm tránh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nội địa.

VEPR cũng cho rằng, thanh khoản hệ thống dồi dào do tăng trưởng huy động lớn hơn tín dụng, cùng với việc mua vào ngoại tệ của NHNN. Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, đạt 63,5 tỷ USD vào cuối quý II, ngang với mức khuyến nghị của IMF. Tuy nhiên, dao động mạnh của tỉ giá có thể khiến NHNN phải giảm dự trữ để can thiệp bình ổn thị trường. 

VEPR nhận định, đầu tư tư nhân tăng trưởng mạnh nhất trong các thành phần kinh tế. Trong khi đó, vốn FDI đăng ký mới của quý II đạt mức kỷ lục. Nhật Bản là nhà đầu tư số một tại Việt Nam sau 6 tháng đầu năm 2018. Thị trường BĐS vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong nửa đầu năm 2018, lĩnh vực BĐS đã vươn lên đứng thứ hai sau nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo về thu hút đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký đạt 5,54 tỷ USD. 

Báo cáo của VEPR cũng khuyến cáo về tình trạng lạm phát gia đang có xu hướng tăng. PGS.TS Nguyễn Đức Thành phân tích, nối tiếp xu hướng trong quý I, lạm phát tiếp tục gia tăng trong quý II/2018. Lạm phát toàn phần tăng dần từ 2,66% trong tháng 3 lên 4,67% vào tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. 

Đồng thời, CPI tính đến cuối tháng 6/2018 tăng 2,22% so với cuối tháng 12/2017. Việc phục hồi giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đặc biệt là thực phẩm, dẫn tới lạm phát gia tăng. Nhóm này có quyền số lớn trong rổ hàng hóa CPI và tăng khá nhanh vào tháng 6, mức tăng cao nhất kể từ năm 2014. 

Trong thời gian tới khi giá thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, hồi phục thì đóng góp vào CPI của nhóm hàng ăn uống dự kiến sẽ còn lớn hơn. Các dịch vụ công tiếp tục là nhân tố đóng góp quan trọng cho sự gia tăng CPI trong quý II. Việc tất cả các địa phương đã hoàn thành tăng giá dịch vụ y tế với các đối tượng không có thẻ bao hiểm y tế khiến giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tháng 6 tăng 12,96% so với cùng kỳ năm trước, riêng dịch vụ y tế tăng 16,73%. Bên cạnh đó, CPI nhóm hàng giáo dục cũng tăng 6,12% tại   thời điểm cuối quý II/2018 so với cùng kỳ quý II/2017, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 6,81%.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu trên thị trường thế giới không ngừng tăng từ đầu năm 2018, giá xăng dầu trong nước cũng liên tục được điều chỉnh tăng theo. Trong thời gian tới khi giá nhiên liệu thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt cùng với việc thuế môi trường đánh trên xăng dầu tăng kịch trần lên 4.000 đồng/lít, nhóm hàng giao thông, đặc biệt là xăng dầu, sẽ tiếp tục có thể tác động đến mức tăng CPI chung. Trước nguy cơ lạm phát tăng cao trong những tháng còn lại của năm 2018, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu không tăng giá điện trong năm nay. 
Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều góp ý, phân tích sâu thêm xung quanh báo cáo của VEPR. Trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn có xu hướng thắt chặt tiền tệ cùng với nguy cơ lạm phát gia tăng mạnh trong thời gian gần, tồn tại một khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ điều chỉnh lãi suất đồng VND để ổn định tỉ giá, các chuyên gia lưu ý. 

Riêng về hoạt động đầu tư, bà Phạm Chi Lan cho rằng cần phải xem xét kỹ hơn về hoạt động đầu tư tư nhân tăng trưởng mạnh trong nền kinh tế, đầu tư của ai, vào đâu. 

Thực tế, gần đây ở các địa phương hoạt động đầu tư tư nhân triển khai nhiều theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng, còn đầu tư vào các lĩnh vực khác không mấy sôi động. Từ đây, cần có những xem xét về cơ hội và thách thức. “Tôi lo ngại là thách thức sẽ không nhỏ, nếu chính sách về việc này thời gian qua là chung chung, chưa đủ chặt chẽ”, bà Phạm Chi Lan nói. 

Về thị trường bất động sản và tín dụng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) đang phát triển tương đối nóng, dù có hạ nhiệt đôi chút ở vài thời điểm. Mức giá bất động sản đang tăng tương đối cao đặt ra nguy cơ bong bóng, có thể không hẳn toàn bộ nhưng là một vài điểm. 
“Cũng cần hết sức lưu ý về thống kê tăng trưởng tín dụng, mức 7% dường như là khá thấp so với thực tế vì có thể mức tín dụng cho BĐS cao hơn nhiều nhưng lại “ẩn đi” khi được tính dưới dạng cho vay tiêu dùng”, ông Nguyễn Trí Hiếu lưu ý. 

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top