Nhìn lại sáu tháng đầu năm

Chú trọng chất lượng tăng trưởng tín dụng

15:20 - Thứ Ba, 17/07/2018 Lượt xem: 9269 In bài viết
Tăng trưởng tín dụng (TTTD) sáu tháng đầu năm tuy ở mức thấp hơn so với cùng kỳ, nhưng vẫn bảo đảm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn so cùng kỳ năm 2017. Ðiều này cho thấy, hiệu quả sử dụng vốn đã được nâng cao. Ðịnh hướng những tháng cuối năm, điều hành chính sách tín dụng tiếp tục theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Kiểm soát tốc độ tăng

Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức 17%, có điều chỉnh phù hợp điều kiện thực tế. Từ định hướng này, ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN đã ban hành một loạt văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng và thực hiện kế hoạch tín dụng năm phù hợp chỉ tiêu tín dụng phân bổ; ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ vậy, tín dụng đã tăng ngay từ đầu năm và tăng đều qua các tháng. Ðến hết tháng 6, TTTD toàn hệ thống đạt quanh mức 7%.

 

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng VietinBank (Hà Nội).

Theo Vụ phó Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Trần Văn Tần, kết quả hoạt động tín dụng sáu tháng qua đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, góp phần đạt chỉ tiêu GDP tăng trưởng 7,08%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ của bảy năm qua. Thực tế cho thấy, tín dụng trong những tháng đầu năm 2018 đã tập trung cho các ngành sản xuất, kinh doanh, là động lực của tăng trưởng kinh tế, cụ thể đến cuối tháng 5-2018: Dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm thủy sản ước tăng 6,8%; dư nợ tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng ước tăng 6,83%; dư nợ tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ ước tăng 5,7%.

Tín dụng cũng đã tiếp tục được đẩy mạnh tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, với các mức tăng trưởng cao so với cuối năm 2017, như: Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 5,8%; tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 15,64%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 6,29%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tăng 5,42%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,61%.

Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được các TCTD tích cực triển khai. Theo đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 40 nghìn tỷ đồng với 14.723 khách hàng đang có dư nợ; dư nợ cho vay để ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ đạt hơn 10.650 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QÐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đạt khoảng 4.800 tỷ đồng; dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại NHCSXH đạt 179.048 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2017 với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ.

Cũng trong sáu tháng đầu năm, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức hơn 300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Qua chương trình, các ngân hàng đã giải ngân hơn 210 nghìn tỷ đồng cho hơn 20 nghìn doanh nghiệp và một số đối tượng khác; thực hiện các giải pháp cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho gần 1.900 doanh nghiệp và gần 600 khách hàng khác, giúp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn ổn định sản xuất.

Ngoài ra, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong tầm kiểm soát của NHNN. "Như vậy, nguồn tín dụng đã đi đúng định hướng của NHNN, tín dụng tập trung nhiều vào ngành sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng", ông Trần Văn Tần khẳng định.

Nâng cao chất lượng tín dụng

Nhìn lại con số TTTD qua các thời kỳ, có thể thấy mức tăng trưởng sáu tháng đầu năm nay thấp nhất so với cùng kỳ bốn năm trở lại đây. Theo đó, sáu tháng đầu năm 2015, 2016 và 2017 tăng tương ứng là 7,86%, 8,16% và 7,54%. Tuy nhiên, theo PGS, TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, tín dụng tăng thấp nhưng GDP ở mức khá cao cho thấy chất lượng tín dụng ngày càng cải thiện.

Hiện nay, có nhiều nhân tố tác động đến TTTD như: Diễn biến kinh tế vĩ mô, lãi suất cho vay, nguồn vốn của TCTD, nhu cầu vốn và khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp,... Thực tế cho thấy, các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, sản xuất nông nghiệp phục hồi rõ nét, môi trường và điều kiện kinh doanh tiếp tục cải thiện, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) liên tiếp được cải thiện trong những tháng đầu năm, một số ngành, lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng kinh tế có nhu cầu tài trợ tín dụng lớn, đã tác động đến tăng trưởng tín dụng năm 2018 như: lĩnh vực xuất, nhập khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, du lịch,... Ðây là những yếu tố tác động đến TTTD sáu tháng đầu năm và những tháng còn lại của năm 2018. Cũng nhờ chính sách định hướng, kiểm soát tín dụng của NHNN đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và việc điều hành ổn định lãi suất cho vay đã tạo điều kiện để dòng vốn tín dụng tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực thương mại có giá trị gia tăng cao,… là yếu tố thuận lợi cho TTTD hiệu quả.

Nhận định từ chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cũng cho thấy, NHNN dự kiến TTTD 17% và cung tiền M2 khoảng 16% trong năm 2018 là khá phù hợp. "Song chúng ta không nhất thiết phải đạt được mục tiêu này bằng mọi giá, mà cần ưu tiên kiểm soát tín dụng, nắn tín dụng vào những lĩnh vực hiệu quả", TS Cấn Văn Lực chia sẻ.

Cũng theo ông Trần Văn Tần, định hướng những tháng cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm là 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm phù hợp mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4%. Ðể đạt được định hướng này, NHNN sẽ tiếp tục điều hành các giải pháp nhằm thực hiện mở rộng tín dụng có hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (như kinh doanh bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông), bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng;… "Ðặc biệt, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai chính sách tín dụng như: Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 55 sau khi Chính phủ ký ban hành, Thông tư hướng dẫn Nghị định 34/2018/NÐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa,... nhằm tạo điều kiện tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN và khách hàng", đại diện lãnh đạo NHNN nêu rõ.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top