Cảnh giác với hàng khuyến mại

09:26 - Thứ Tư, 18/07/2018 Lượt xem: 9931 In bài viết
ĐBP - Ðể thu hút sự chú ý của khách hàng, nhiều cơ sở kinh doanh đã tung ra các chương trình khuyến mại như: “Giảm giá sốc”, “đại hạ giá”, “xả hàng”, “mua 2 tặng 1”… đặc biệt có những cửa hàng giảm giá tới 70% giá trị sản phẩm. Ðây là dịp người tiêu dùng có cơ hội mua hàng với giá rẻ, song cần nêu cao tinh thần cảnh giác bởi bên cạnh những cửa hàng làm ăn uy tín, một số người kinh doanh lợi dụng lòng tin của khách hàng để thu lợi bất chính.

 

Một cửa hàng bán đồ giảm giá tại khu đô thị Bom La.

Dạo quanh TP. Ðiện Biên Phủ và địa bàn giáp ranh, từ các trung tâm thương mại lớn đến các cửa hàng nhỏ hầu hết đều thấy treo biển khuyến mại, giảm giá từ 10 - 50%, thậm chí giảm tới 70% giá trị sản phẩm. Trong số đó, nhiều nhất là các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, giày, dép và hàng điện tử. Trong vai một khách hàng, chúng tôi vào một cửa hàng bán quần áo thể thao trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ). Thấy treo biển giảm giá từ 10 - 20%, chúng tôi tưởng áp dụng cho tất cả sản phẩm nhưng thực tế không phải như vậy. Thắc mắc của chúng tôi được nhân viên cửa hàng giải thích: “Mức giảm giá trên chỉ áp dụng cho một số sản phẩm cũ, lỗi mốt hoặc có lỗi... còn những hàng mới thì không giảm giá”. Qua khảo sát cho thấy không chỉ các điểm kinh doanh nhỏ lẻ mà nhiều cửa hàng lớn, siêu thị đang áp dụng chiêu thức tăng giá các sản phẩm lên sau đó treo biển giảm giá, nhưng thực chất giá bán vẫn không hề giảm, thậm chí cao hơn giá trên thị trường. Anh Nguyễn Văn Khôi, đội 10, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên), cho biết: “Tôi dự định mua 1 chiếc điện thoại hãng OPPO A37 tại siêu thị T.O với giá ưu đãi 2.990.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu ngoài thị trường mới biết sản phẩm này bán ở một số cửa hàng bên ngoài không áp dụng chương trình giảm giá cũng chỉ tương đương với giá ưu đãi trong siêu thị, thậm chí còn thấp hơn. Vì vậy, tôi quyết định mua ở bên ngoài”.

Không chỉ lập lờ trong việc giảm giá bán, chất lượng hàng hóa cũng là vấn đề khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc. Nhiều mặt hàng, đặc biệt là quần áo, đồ gia dụng mua về sử dụng chỉ được vài ngày thì bắt đầu “dở chứng”. Chị Nguyễn Thị Hương, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) bức xúc: “Thấy thông báo đại hạ giá, tôi mua 2 bộ quần áo của một cửa hàng tại khu đô thị Bom La (xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên) với giá chưa đến 150 nghìn đồng. Thế nhưng, mang đi giặt quần áo đã bị phai màu, loang ố không thể mặc được nên đành phải bỏ đi”. Ðặc biệt, để thu hút người tiêu dùng, nhiều cửa hàng còn thông báo khuyến mại đến 70% giá trị sản phẩm. Nếu như trước đây các cửa hàng chỉ tổ chức khuyến mại vào một số ngày lễ nhất định... thì hiện nay chương trình khuyến mại được áp dụng thường xuyên, bất kể thời điểm nào trong năm với mức giảm lớn.

Ông Lò Ngọc Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Tính riêng trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ có 4.688 hộ thương nhân; 166 doanh nghiệp; 399 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng hóa; ngoài ra còn hàng trăm hộ kinh doanh nhỏ lẻ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh... Việc vi phạm giá qua các hình thức giảm giá lập lờ cũng khó phát hiện và xử lý, bởi 1 ngày Chi cục nhận được hàng trăm thông báo khuyến mại của các cơ sở kinh doanh gửi đến. Ðặc biệt là những cơ sở kinh doanh hàng hóa ở địa bàn vùng cao hoặc hộ kinh doanh lưu động thì càng khó kiểm soát. Vì vậy, trước hết người tiêu dùng cần cẩn trọng trước những chương trình khuyến mại. Nhất là khu vực miền núi, nông thôn, tình trạng lợi dụng hình thức khuyến mại, xả hàng để tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng là khá phổ biến. Người tiêu dùng không nên ham rẻ, hàng giảm giá để rồi mắc bẫy các đối tượng kinh doanh không lành mạnh. Nếu mua hàng cần xem kỹ mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng… để tránh bị lợi dụng.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top