Bất cập việc sử dụng nguồn cấp bù thủy lợi phí

09:38 - Thứ Năm, 19/07/2018 Lượt xem: 15067 In bài viết
ĐBP - Theo quy định, nguồn kinh phí Nhà nước cấp bù thủy lợi phí hàng năm cho tỉnh dùng để chi cho công tác quản lý, điều hành (không quá 70%) và chi cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên các công trình như: phát dọn, nạo vét kênh mương, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ (tối thiểu từ 30% trở lên). Nguồn kinh phí này được tỉnh phân bổ về các huyện, thị xã và thành phố, từ đó phân bổ cho các tổ chức dùng nước ở các xã, phường. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy phần lớn các huyện, thị xã và thành phố sử dụng nguồn kinh phí được cấp bù chưa đúng quy định.

Từ năm 2009, chính sách miễn thủy lợi phí theo Nghị định 115/2008/ND-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ có hiệu lực, đã giảm được một phần trong chi phí sản xuất hàng năm cho người dân; đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương tập trung quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi.

 

Chính sách miễn thủy lợi phí đã tạo điều kiện cho các địa phương tập trung quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi hiệu quả, góp phần tăng diện tích tưới tiêu cho nông nghiệp.

Ðể hướng dẫn các địa phương thực hiện có hiệu quả việc sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí, ngày 27/9/2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 951/HD-SNN-TL hướng dẫn việc thành lập, củng cố và phát triển tổ chức hợp tác dùng nước để tiếp nhận quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chủ sở hữu các công trình thủy lợi (gồm 3 cấp: tỉnh, huyện, xã) có thể giao hoặc ký hợp đồng với doanh nghiệp; tổ chức hợp tác dùng nước (hợp tác xã và tổ hợp tác) và hộ gia đình, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi. Hàng năm, trên cơ sở dự toán, nguồn kinh phí được cấp cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi. Sau khi thành lập, các tổ chức hợp tác dùng nước được phân bổ nguồn kinh phí theo quy định tại Văn bản 411/SNN-TL ngày 26/3/2014 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí hàng năm như sau: Không quá 70% tổng nguồn vốn chi cho hoạt động quản lý, khai thác, vận hành và bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi; tối thiểu 30% chi phí cho việc duy tu, bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên.

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế những năm qua việc sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí tại một số huyện, thị xã và thành phố không đúng. Có đơn vị sử dụng 100% nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí cho việc sửa chữa công trình hoặc đầu tư công trình mới. Hoàn toàn chưa đúng so với quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng. Một số huyện chưa thành lập được tổ hợp tác dùng nước (gồm ban quản lý thủy nông; hội dùng nước; tổ hợp tác…) và chưa giao công trình cho các tổ hợp tác dùng nước quản lý, khai thác và bảo vệ công trình. Kinh phí cấp bù thủy lợi phí mới chỉ đến được cấp huyện, chưa đến được các công trình. Cấp huyện dùng nguồn đó để sửa chữa lớn và chưa giao cho tổ hợp tác dùng nước để chi cho công tác quản lý, điều hành và sửa chữa thường xuyên.

Hiện nay, huyện Ðiện Biên có 177 công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho hơn 3.000ha lúa 2 vụ - diện tích được cấp bù thủy lợi phí. Trung bình mỗi năm huyện được cấp bù hơn 3,1 tỷ đồng cho việc quản lý, điều hành và duy tu, sửa chữa thường xuyên các công trình thủy lợi. Theo quy định, số tiền trên huyện phải cấp về các tổ chức hợp tác dùng nước để chi cho hoạt động quản lý, điều hành và duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi. Thế nhưng, từ năm 2016 trở về trước huyện Ðiện Biên đã dùng 100% số tiền này cho việc sửa chữa các công trình thủy lợi. Trong khi đó quy định phải chi cho việc quản lý và điều hành không quá 70% tổng kinh phí; đặc biệt nguồn kinh phí này không phải do huyện hay bất kỳ phòng chuyên môn nào được phép thực hiện mà phải là các tổ chức hợp tác dùng nước ở các xã thực hiện. Lý giải vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Huyền, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên, cho biết: Việc huyện dùng 100% số nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí cho việc sửa chữa các công trình là do trên địa bàn các xã chưa thành lập được các tổ chức hợp tác dùng nước. Biết là sai quy định nhưng vẫn phải làm, bởi nếu không dùng vào sửa chữa các công trình thì sẽ không thanh quyết toán được nguồn vốn. Vì chi sai quy định nên đơn vị đã từng bị Thanh tra Sở Tài chính “tuýt còi”, do đó từ năm 2017 đến nay, nguồn kinh phí này huyện đã phân bổ về cho các xã thực hiện. Nhưng bất cập là các xã chưa thành lập được các tổ chức hợp tác dùng nước nên nguồn chưa tiêu được.

Tương tự, huyện Ðiện Biên Ðông những năm qua cũng đang sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí sai quy định. Toàn huyện có 2.400ha lúa 2 vụ thuộc diện tích được cấp bù thủy lợi phí. Trung bình mỗi năm huyện Ðiện Biên Ðông được phân bổ khoảng 3 tỷ đồng. Cũng như huyện Ðiện Biên, từ trước đến nay trên địa bàn huyện chưa thành lập được các tổ chức hợp tác dùng nước, vì vậy 100% nguồn kinh phí cấp về được huyện sử dụng vào việc sửa chữa các công trình. Ông Vũ Ngọc Hoành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông thừa nhận: Vì chưa có tổ chức hợp tác dùng nước nên buộc huyện phải chi vào sửa chữa các công trình.

Không chỉ huyện Ðiện Biên và Ðiện Biên Ðông, mà còn nhiều đơn vị cấp huyện khác cũng đang thực hiện chi không đúng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí. Thậm chí có huyện lại dùng 50% kinh phí để giao cho doanh nghiệp thực hiện việc quản lý, điều hành và  duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi; 50% còn lại để dùng vào việc đầu tư một số công trình thủy lợi mới, trong khi quy định nguồn vốn này không được dùng vào đầu tư công trình mới mà chỉ là sửa chữa nhỏ. Việc chi sai nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí dẫn đến tình trạng một số hệ thống thuỷ lợi chưa có tổ chức quản lý, khai thác phù hợp, nhiều công trình xuống cấp nhanh do không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời. Thống kê cho thấy, trong số hơn 900 công trình thủy lợi do tỉnh và huyện quản lý thì có hơn 200 công trình thủy lợi không hiệu quả và gần như không hoạt động và không có các tổ chức hợp tác dùng nước quản lý, điều hành và duy tu thường xuyên.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top