Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

08:35 - Thứ Sáu, 20/07/2018 Lượt xem: 11584 In bài viết
ĐBP - Cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, những năm gần đây, nông dân trên địa bàn tỉnh còn mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, tăng giá trị kinh tế. Một số giống mới được đưa vào sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với vật nuôi truyền thống.

 

Anh Lường Văn Tướng, bản Huổi Hom, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) chăm sóc đàn bò.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực. Người dân từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển theo hình thức chăn nuôi gia trại, trang trại quy mô vừa; dịch bệnh được kiểm soát tốt góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ổn định. Toàn tỉnh hiện có 34 trang trại (tăng 5 trang trại so với năm 2016) và 10 hợp tác xã chăn nuôi. Ðến nay, đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với mô hình trang trại quy mô lớn theo hướng hiện đại như: Doanh nghiệp Thương mại Tư nhân Huy Toan, Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Việt Trung (nuôi lợn), Công ty Cổ phần Chăn nuôi Uva Ðiện Biên (nuôi bò), Công ty TNHH Công nghệ xanh (nuôi dê), Doanh nghiệp Tuấn Doanh Tuần Giáo (nuôi lợn và trồng cây dược liệu).

Ðể phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, ngoài đầu tư về chuồng trại thì chất lượng giống ngày càng được doanh nghiệp và người dân chú trọng sử dụng các giống có năng suất và sản lượng thịt cao, làm tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi như đưa các giống lợn cao sản: Landrace, Yorkshire, Duroc… vào nuôi. Việc chăn nuôi giống mới tập trung theo mô hình khép kín, đảm bảo kỹ thuật, thức ăn, hệ thống chuồng trại đạt chuẩn, giá thành hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường, chất lượng đảm bảo; từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống lợn địa phương. Ngoài nuôi lợn, hiện nay mục đích chăn nuôi trâu, bò của nông dân cũng thay đổi từ chỗ để lấy sức cày, kéo sang chăn nuôi thương phẩm cung cấp thịt cho thị trường. Chương trình cải tạo đàn bò địa phương bằng thụ tinh nhân tạo được triển khai nhân rộng góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng đàn bò như: thể trạng tốt, khả năng chống chịu với dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt cao hơn so với gia súc sinh sản tự nhiên. Ðiển hình là mô hình chăn nuôi gia trại của anh Lường Văn Tướng, bản Huổi Hom, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) với 9 con bò. Anh Tướng cho biết: Trước kia, gia đình tôi có gần 1.000m2 ruộng lúa, làm lụng vất vả nhưng không đủ ăn. Thông qua Hội Nông dân xã, gia đình tôi được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư nuôi bò sinh sản. Nhờ có vốn, được tập huấn kiến thức chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh nên đàn bò phát triển tốt, kinh tế gia đình đã khá lên.

Nhằm tăng hiệu quả chăn nuôi, ngành Nông nghiệp hướng dẫn người dân sử dụng men vi sinh để xử lý chất thải gia súc, gia cầm; nuôi lợn trên đệm lót sinh học; ủ chua thức ăn thô xanh, ủ rơm với urê cho trâu, bò; phát triển mô hình kết hợp vừa trồng cỏ và nuôi trâu, bò. Ðó là cơ sở để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tạo thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn, quy mô lớn theo chuỗi liên kết giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Qua đó, từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top