Chủ động lành mạnh hóa cán cân xuất, nhập khẩu

10:55 - Thứ Sáu, 20/07/2018 Lượt xem: 9935 In bài viết
Chủ động điều hành xuất, nhập khẩu, bảo đảm hài hòa cán cân thương mại trong giao thương quốc tế là mục tiêu rất quan trọng của nền kinh tế; đặc biệt xét trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, lại phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến thương mại toàn cầu. Điều đó đặt ra yêu cầu thường xuyên bám sát tình hình, phân tích và có những giải pháp kịp thời nhằm lành mạnh hóa quan hệ xuất - nhập khẩu của quốc gia...

Diễn biến kiểu "xôi đỗ"

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng vừa qua kim ngạch xuất khẩu vẫn cao hơn nhập khẩu - tức là có sự xuất siêu. Đây là xu hướng trong vài năm gần đây, cho thấy sức vươn lên của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập.

 

Bảo đảm hài hòa cán cân thương mại là mục tiêu quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, dù xét về tổng thể thì Việt Nam đã xuất siêu trong nửa đầu năm nhưng thực tế nền kinh tế đã rơi vào tình trạng nhập siêu trong tháng 4 và tháng 5. Điều này gợi lên sự lo ngại từ các cơ quan hữu quan, đòi hỏi phải quan tâm thỏa đáng trong nửa cuối năm nay. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, sức cầu trên thị trường thế giới hồi phục rõ, gia tăng và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước; nhưng cơ quan quản lý vẫn cần theo sát diễn biến cụ thể và có sự ứng phó hữu hiệu với tình trạng nhập siêu có thể quay trở lại.

Gần đây, tín hiệu đáng mừng khi Tổng cục Hải quan thông báo nền kinh tế đã tái lập được vị thế xuất siêu trong nửa cuối của tháng 6 vừa qua. Cụ thể, Việt Nam đạt mức xuất siêu 0,87 tỷ USD và từ đó nâng kết quả xuất siêu chung của 6 tháng lên 3,36 tỷ USD; với sự đóng góp mạnh mẽ của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm điện thoại di động, máy móc, thiết bị công nghiệp, sắt thép các loại, hàng dệt may.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đang chủ động tìm hiểu và tận dụng khá tốt những điều kiện thuận lợi, chủ yếu là ưu đãi thuế cùng với việc bãi bỏ hạn ngạch để gia tăng quy mô xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ trương tăng cường công tác xúc tiến thương mại ngoài nước, tìm kiếm thị trường mới, thị trường "ngách" kết hợp với việc thâm nhập sâu rộng hơn nữa vào những thị trường truyền thống, có sức mua cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc... Đặc biệt, cần nhấn mạnh mục tiêu gia tăng xuất khẩu đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo và nông, thủy sản với sự “lên ngôi” của gạo và một số loại rau, quả sạch, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Bộ Công Thương cũng như doanh nghiệp đang tập trung gia tăng số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong thời gian tới (đến nay đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD).

Chủ động tăng xuất, giảm nhập

Như vậy, vấn đề đặt ra là làm sao giữ được phong độ, tiếp tục xu hướng xuất siêu từ nay đến cuối năm. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung đánh giá các thị trường, tìm thêm khách hàng, phát hiện dư địa còn lại để tăng cường xuất khẩu; nhất là các mặt hàng chủ lực. 

Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu. Trước hết, Việt Nam sẽ nghiên cứu khả năng tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 nhằm mở rộng quy mô xuất khẩu kết hợp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; từ đó giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. Đồng thời, Bộ và các hiệp hội ngành hàng cũng tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung các cam kết, quy định, đặc điểm thị hiếu của các nước đối tác và giới thiệu quyền lợi của doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, các khuyến nghị sẽ được lưu ý, đưa ra kịp thời và chính xác hơn để doanh nghiệp hiểu, phòng tránh những vấn đề đáng tiếc xảy ra như quy định về chất lượng hàng hóa, yếu tố văn hóa - tôn giáo tại địa bàn cụ thể, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ rủi ro hoặc tranh chấp - khiếu kiện thương mại.

Đối với nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung kiểm soát và định hướng hoạt động này theo hướng chỉ nhập những mặt hàng thiết yếu như máy móc, thiết bị để hình thành dây chuyền sản xuất hoặc phục vụ triển khai dự án mới; nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Đặc biệt, các ngành chức năng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu việc nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, làm tốt quan hệ cung - cầu, thắt chặt mối liên kết để tiêu thụ sản phẩm của nhau giữa các doanh nghiệp và bảo vệ sự lành mạnh trên thị trường trong nước cũng là biện pháp góp phần giảm thiểu nhập khẩu.

Được biết, Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu các bộ, địa phương nghiêm túc triển khai việc rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành bất hợp lý; tập trung phục vụ doanh nghiệp một cách hiệu quả. Trong đó, ngành Hải quan và Thuế vẫn là lực lượng tiên phong, tạo sự thuận lợi và điều kiện tốt nhất, phù hợp với chuẩn quốc tế để giảm thiểu chi phí và thời gian đối với doanh nghiệp xuất khẩu... Đó là những giải pháp chủ động điều hành, bảo đảm hài hòa cán cân thương mại trong giao thương quốc tế, lành mạnh hóa quan hệ xuất - nhập khẩu của quốc gia.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top