Nông dân làm giàu nhờ phát triển cây ăn quả

08:21 - Thứ Tư, 25/07/2018 Lượt xem: 10168 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó giúp nông dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.

 

Chị Nguyễn Thị Hương, đội 10, xã Thanh Xương thu hoạch thanh long.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hương, đội 10, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) là gia đình tiêu biểu trong việc xóa đói giảm nghèo từ mô hình trồng cây ăn quả. Trước đây gia đình chị Hương chăn nuôi lợn, gà nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2000, chị Hương quyết định chuyển hướng sang trồng thanh long. Ban đầu với số vốn ít ỏi, gia đình chị chỉ trồng vài chục gốc thử nghiệm. Do chưa có kinh nghiệm, chưa nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long nên chị gặp không ít khó khăn. Năm 2013, chị tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng thanh long do huyện mở, qua đó áp dụng vào chăm sóc cây thanh long. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, trừ chi phí gia đình chị đã thu lãi từ việc bán thanh long. Nối tiếp thành công, chị Hương mạnh dạn chuyển đổi hết đất vườn sang trồng cây thanh long. Hiện nay, gia đình chị có 500 gốc thanh long, trừ chi phí mỗi năm thu lãi từ 50 - 70 triệu đồng. Chị Hương, cho biết: Trồng thanh long không khó, chỉ cần nắm chắc kỹ thuật cây sẽ cho quả nhanh và to hơn. Hiện, gia đình chị đang trồng 2 giống thanh long ruột trắng và đỏ, tiến tới sẽ nhân rộng giống thanh long ruột đỏ vì được người mua ưa chuộng, cho thu nhập cao hơn.

Tương tự, ông Lò Văn Thành, bản Ngựu, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) cũng là tấm gương trong phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Trước đây, kinh tế gia đình ông Thành rất khó khăn. Vì vậy, ông đã chủ động tiếp cận với các chương trình phát triển kinh tế liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như tìm hiểu, tham quan các mô hình phát triển kinh tế qua Hội Nông dân xã, tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật. Năm 2004, vợ chồng ông mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cộng với số tiền tích góp và vay mượn thêm từ người thân để đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Ngoài chăn nuôi lợn thịt, trâu, bò sinh sản, cá, gia đình ông còn trồng gần 7.000m2 cây ăn quả, như: nhãn ghép, xoài, bưởi... Hiện nay, gia đình ông có trên 400 gốc cây ăn quả các loại. Ông Thành, chia sẻ: Sau nhiều năm đầu tư, đến nay nguồn thu nhập của gia đình từ cây ăn quả đã vượt mức mong đợi. Kết hợp với mô hình nuôi lợn, cá, bò, trừ chi phí trung bình mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng. Từ hộ nghèo, nhờ phát triển kinh tế theo hướng trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi chăn nuôi, gia đình ông Thành đã có cơ ngơi khang trang; trở thành một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh và là 1 trong 3 nông dân của huyện được Trung ương Hội nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Thành công từ mô hình trồng cây ăn quả của gia đình chị Hương, ông Thành không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà nó còn góp phần từng bước thay đổi nhận thức, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của bà con trên địa bàn huyện. Ðể phát triển cây ăn quả có hiệu quả, thời gian tới huyện Ðiện Biên tiếp tục mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, khuyến khích người dân trồng những loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top