Giảm nghèo đa chiều: Thách thức và cơ hội

08:45 - Thứ Tư, 25/07/2018 Lượt xem: 8702 In bài viết
ĐBP - Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 59/2015/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây gọi tắt là Quyết định 59), tỉnh ta đã có bước chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo. Thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều chính là hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, song thực tế vẫn còn nhiều thách thức, nhất là đối với sự đổi thay về tư duy, cách làm từ chính quyền địa phương đến đối tượng thụ hưởng.

 

Nhờ Chương trình 135 hỗ trợ giống ngô, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Trong ảnh: Nông dân xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) chăm sóc ngô. Ảnh: Văn Tâm

Nghị quyết số 32/NQ-HÐND, ngày 14/10/2016 của HÐND tỉnh khóa XIV về Chương trình Giảm nghèo bền vững tỉnh Ðiện Biên, giai đoạn 2016 - 2020 đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020) từ 48,14% năm 2015 xuống còn dưới 33% năm 2020 (bình quân giảm trên 3%/năm), trong đó các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm. Hiện nay chưa có kết quả rà soát hộ nghèo năm 2018, nên chưa có đánh giá chính xác về hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững trong năm. Tuy nhiên, phát huy kết quả năm 2017, có thể nhận định công tác giảm nghèo của tỉnh ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc, đến hết năm 2017, số hộ nghèo giảm hơn 3.500 hộ (giảm 3,18%) so với năm 2016; thu nhập bình quân đạt trên 24 triệu đồng/người/năm (tăng gần 10% so với năm 2016). Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2017 (theo Quyết định 159/QÐ-UBND, ngày 22/2/2018 của UBND tỉnh), toàn tỉnh còn 51.188 hộ nghèo (41,01% tổng số hộ dân cư) và 11.782 hộ cận nghèo (9,44%).

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Có được kết quả đó là do tỉnh ta triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo theo cơ chế phân cấp, trao quyền cho cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình thực hiện. Yếu tố quan trọng, khác biệt so với những năm trước đây là tỉnh chuyển phương thức hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ có thu hồi luân chuyển; khuyến khích sự chủ động tham gia của người nghèo, giảm dần tư tưởng trông chờ ỷ lại. Ưu tiên số một của các địa phương vẫn là thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết việc làm để nâng cao thu nhập cho người dân. Song, bên cạnh đó ban chỉ đạo giảm nghèo các huyện cũng tiến hành khảo sát các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở để hỗ trợ sửa chữa, đồng thời giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người nghèo trong lĩnh vực giáo dục, y tế như: Miễn giảm học phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế…

Trong tổng số 51.188 hộ nghèo, hiện có 50.170 hộ nghèo về thu nhập (chiếm 98,01%). Thách thức lớn nhất chính là quá trình chuyển đổi cách tiếp cận từ nghèo đơn chiều sang đa chiều bởi quá trình đánh giá hộ nghèo phức tạp hơn. Ví dụ, sử dụng tiêu chí đánh giá chất lượng nhà ở cần xác định thêm về vật liệu làm mái nhà, tường nhà; đo lường diện tích nhà ở… Một thách thức nữa trong thực thi Quyết định 59 là giải quyết sức ép về nguồn lực giảm nghèo. Bởi khi thực hiện theo chính sách mới, không chỉ cần đến nguồn lực để tăng thu nhập mà cần thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng giáo dục, y tế, công nghệ thông tin… để mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ cho người nghèo. Trong điều kiện kinh tế - xã hội tỉnh ta còn nhiều khó khăn, nguồn lực thực hiện các chính sách giảm nghèo phần lớn là ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Hiện nay, toàn tỉnh có 5/8 huyện nằm trong số những huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết 30a và 2 huyện khác được hưởng cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 30a. Hiện nay, 7 huyện này chiếm 44.901/51.188 hộ nghèo toàn tỉnh; trong đó, hộ nghèo về thu nhập là 44.235 hộ, 666 hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Ðiểm chung của các huyện nghèo là: Hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất còn thiếu; sản xuất nông nghiệp nhiều nơi còn phụ thuộc vào thiên nhiên; việc chuyển đổi ngành nghề còn hạn chế; trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật chưa cao... Vì thế, quá trình thực hiện giảm nghèo đa chiều, chúng ta cần tập trung chính sách tạo sinh kế đối với nhóm đối tượng nghèo về thu nhập và hỗ trợ tiếp cận dành cho nhóm nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản.

Thay đổi nhận thức về giảm nghèo là yếu tố căn bản nhất bảo đảm chương trình giảm nghèo bền vững được thực hiện hiệu quả. Nhưng việc thay đổi nhận thức không đơn giản, xét cả góc độ chính quyền và phía người dân. Với những thách thức trong thực hiện chính sách mới (Quyết định 59), đòi hỏi cách làm với tư duy mới. Xét đến cùng, đó vẫn là việc “tặng người nghèo cần câu” chứ không cho “con cá”. Tức là lựa chọn chính sách phù hợp; là ưu tiên cơ hội cho người nghèo tiếp cận tín dụng, vốn sản xuất để thoát nghèo; xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, nhất là dịch vụ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin. Trong thời gian tới, công tác giảm nghèo bền vững sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi ngày 31/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP về một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều. Theo đó hộ nghèo thiếu hụt đa chiều được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, như: Về bảo hiểm y tế thực hiện theo Nghị quyết số 40/NQ-CP, ngày 10/5/2017 của Chính phủ; hỗ trợ giáo dục và đào tạo, thành viên hộ nghèo đa chiều thiếu hụt ít nhất 1 chỉ số về giáo dục (trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em) được thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo như đối với thành viên hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập; thiếu hụt các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản khác được thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo như đối với thành viên hộ cận nghèo; hộ nghèo đa chiều thiếu hụt chỉ số về nguồn nước sinh hoạt thì được hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt theo quy định tại Quyết định số 2085/QÐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020…

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top