Mường Toong - đổi thay từ những bản tái định cư

09:01 - Thứ Sáu, 27/07/2018 Lượt xem: 9703 In bài viết
ĐBP - Trở lại xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) sau vài năm, chúng tôi nhận thấy nhiều đổi thay về diện mạo bản làng và trong đời sống của người dân các bản tái định cư. Xã Mường Toong có 7 bản tái định cư theo Ðề án Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé (gọi tắt là Ðề án 79) triển khai từ năm 2014; hơn 200 hộ dân là người dân tộc Mông từ các xã khác và những hộ đang di cư tự do đã được chính quyền và các đơn vị chủ đầu tư bố trí chỗ ở, đất sản xuất nông nghiệp để an cư lạc nghiệp.

Ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong, cho biết: “Những năm trước, đời sống của bà con các bản tái định cư trong xã còn nhiều khó khăn, nhiều hộ còn có tư tưởng bỏ về nơi ở cũ sinh sống, gây khó khăn cho chính quyền khi thực hiện Ðề án 79; nhưng 2 năm trở lại đây, bà con đã yên tâm định canh, định cư và chú trọng lao động, phát triển kinh tế để nâng cao đời sống gia đình”.

 

Người dân bản Mường Toong 8, xã Mường Toong sử dụng nước sạch.

Ngày đầu mới di chuyển về nơi ở mới, người dân các bản Mường Toong 4 - 10 100% đều là hộ nghèo, khiến việc xây dựng đời sống còn nhiều khó khăn. Ở quê cũ, bà con vốn quen với lối sống, phong tục tập quán cũ, no, đói nhờ hạt thóc trên nương và củ măng trên rừng. Do đó, khi được chính quyền bố trí đất sản xuất và cung cấp con giống, vật nuôi, bà con vẫn chưa biết cách áp dụng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để xóa đói, giảm nghèo. Vấn đề đặt ra với cấp ủy, chính quyền các địa phương là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền “cầm tay chỉ việc” để bà con sớm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác và biết áp dụng kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến trong gieo trồng, chăn nuôi. “Từ những giống lúa IR64, các giống cây: ngô, lạc, đậu tương, cà phê và gia súc, như: trâu, bò, dê được hỗ trợ, UBND xã cho cán bộ vào từng bản, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và hướng dẫn người dân các bản tái định cư cách nuôi trồng, chăm sóc, nâng cao ý thức người dân trong phát triển nông nghiệp; thành lập các tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách cho Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ xã... giúp bà con vay vốn xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân...” - ông Lù Văn Dũng cho biết thêm.

Cùng với Ðề án 79, xã Mường Toong được sự quan tâm của chính quyền các cấp, đầu tư các chương trình, dự án, như: Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới... đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con tái định cư xóa đói, giảm nghèo và xây dựng đời sống. Nhờ đó, sau 4 năm tái định cư, tỷ lệ hộ nghèo ở 7 bản đều giảm trên 20%. Khi đời sống bà con dần ổn định, trình độ dân trí cũng được nâng cao, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường.

Anh Vàng A Khá, Trưởng bản Mường Toong 8, chia sẻ: “Hai năm qua, bản Mường Toong 8 thay đổi nhiều lắm! Ðáng mừng hơn cả là người dân dần thay đổi về nhận thức và tư duy sản xuất. Nếu như trước đây, 1 năm bà con chỉ sản xuất 1 vụ lúa nương và 1 vụ ngô đủ ăn là thôi, thì nay ngoài gieo trồng trên nương, bà con còn tranh thủ những diện tích đất trống để trồng rau, chăn nuôi gia súc, đào ao nuôi cá. Tỷ lệ hộ thoát nghèo trong bản đã tăng từng năm. Từ khi kinh tế ổn định, bà con không còn nghĩ đến việc thay đổi nơi ở, mà bảo nhau cùng xây dựng nếp sống văn hóa và chung tay giữ gìn an ninh trật tự”.

Già làng Vàng A Chía, bản Mường Toong 7, cho biết: “Trước đây khi mới về bản tái định cư, đời sống khó khăn, người dân bản tôi cũng chưa biết giữ gìn vệ sinh môi trường sống và tình trạng mất an ninh trật tự vẫn còn diễn ra. Tuy nhiên, nhờ được tuyên truyền, vận động từ phía chính quyền các cấp, giờ đây bà con tập trung làm ăn, giữ gìn sạch sẽ đường bản, ngõ xóm, tình trạng người nghiện, trộm cắp cũng không còn.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top