Phát huy nguồn vốn chính sách xã hội

09:21 - Thứ Hai, 30/07/2018 Lượt xem: 8523 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu giúp người nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, những năm qua Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã triển khai nhiều chương trình vay vốn ưu đãi thông qua hình thức tín chấp của các tổ chức hội, đoàn thể.  Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, nhất là hộ dân tộc thiểu số được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Năm 2000, anh Lò Văn Lả, bản Ngựu, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua Hội Nông dân xã. Gia đình anh thuê máy xúc đào 4 ao thả cá, với tổng diện tích hơn 3.000m2. Ðược Hội Nông dân tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh nên cá sinh trưởng và phát triển nhanh, ít bị dịch bệnh. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Lả thu nhập hơn 100 triệu đồng từ bán cá. Hiện nay, gia đình anh Lả không những thoát nghèo mà vươn lên thành hộ khá ở bản Ngựu.

 

Anh Lò Văn Lả cho cá ăn.

Gia đình anh Lả là một trong số rất nhiều hộ được hưởng lợi từ chương trình vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ðể phát huy hiệu quả nguồn vốn, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ: Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp với các đơn vị nhận ủy thác tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Việc chấp hành các thủ tục, quy trình nghiệp vụ, chất lượng hoạt động giao dịch tại xã, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng được hoàn thiện. Công tác phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác được kiểm tra chặt chẽ trước, trong và sau khi giải ngân. Hàng năm, Ngân hàng chỉ đạo cán bộ tín dụng rà soát chính sách, phối hợp với chính quyền cơ sở đến tận thôn, bản để tuyên truyền các chế độ, chính sách tín dụng ưu đãi; đẩy mạnh cho vay một số chương trình tín dụng được bổ sung nguồn vốn mới. Với mức cho vay như hiện nay (hộ nghèo và hộ cận nghèo được vay tối đa 50 triệu đồng/hộ), là số vốn tương đối đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hộ của người nghèo.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, doanh số cho vay 6 tháng đầu năm đạt gần 386 tỷ đồng, với 10.204 lượt khách hàng vay; trong đó tập trung vào các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Tổng dư nợ đến thời điểm này đạt hơn 2.600 tỷ đồng, với 78.203 khách hàng còn dư nợ; tỷ lệ tăng trưởng dư nợ đạt 5,93%/năm; trong đó tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể là hơn 2.500 tỷ đồng (chiếm 99,67% tổng dư nợ). Tăng trưởng dư nợ chủ yếu tập trung vào các chương trình tín dụng, như: Cho vay giải quyết việc làm; cho vay hộ mới thoát nghèo; hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi... Nhờ nguồn vốn chính sách xã hội, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã tạo thêm và duy trì việc làm cho 761 lao động; xây dựng, cải tạo 1.736 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội thực sự là “đòn bẩy” giúp người nghèo thực hiện giấc mơ thoát nghèo.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top