Chống vi phạm thương hiệu, nhãn hiệu

15:41 - Thứ Tư, 01/08/2018 Lượt xem: 8211 In bài viết
Thời gian gần đây, hàng loạt các vụ vi phạm về thương hiệu, nhãn hiệu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được phát hiện đã gióng lên hồi chuông báo động về việc các tổ chức, doanh nghiệp cố tình lợi dụng uy tín các doanh nghiệp để kinh doanh trục lợi.

Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp bị xâm hại, gây ngộ nhận đối với người tiêu dùng trong việc mua và sử dụng hàng hóa, sản phẩm. Mới đây, Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) phát hiện Trạm xăng dầu Quang Trung chi nhánh 2, số 44 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh và Cửa hàng xăng dầu Quang Trung, số 96 phố Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ, sử dụng trái phép nhãn hiệu của Petrolimex.

Cụ thể, các cửa hàng này đã sử dụng lô-gô chữ “P- nhượng quyền thương mại” và sử dụng lô-gô chữ “P” đề-can dán trên trụ bơm đã được pháp luật bảo hộ. Tương tự đó là các vi phạm về việc sử dụng lô-gô chữ “P” trên xe xi-téc; tại vị trí biển tên cửa hàng, bảng giá, biển vẫy,... tại một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngoài hệ thống Petrolimex ở một số tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La,...

Thực tế, các vi phạm nêu trên đã diễn ra từ nhiều năm qua. Việc tồn tại những vi phạm này có thể gây ra nhiều hệ lụy như: Lượng xăng dầu bán ra tại các cửa hàng này liệu có bảo đảm về chất lượng, minh bạch theo các quy định của pháp luật về nhận diện thương hiệu? Mặt khác, những vi phạm bản quyền thương hiệu sẽ gây nhầm lẫn và làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm, cũng như ảnh hưởng đến sản lượng hàng hóa bán ra và uy tín thương hiệu của Petrolimex khi có sai phạm về đo lường, chất lượng hàng hóa và tác phong ứng xử.

Trên thực tế, không chỉ xăng dầu, mà những lĩnh vực, mặt hàng sản xuất khác như: May mặc, mũ bảo hiểm, chế biến lương thực, thực phẩm,... hiện cũng đang phải đối mặt với tình trạng làm giả, nhái thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Các thương hiệu lớn như: Vedan, Miwon, A.One bị làm giả hoặc nhái thương hiệu; bánh ChocoPie của Orion thành ChocoPai, Choco Pier; bánh Danisa Đan Mạch thành Dalisa, Dalysa,... Vấn đề vi phạm nhãn hiệu, thương hiệu của các doanh nghiệp có uy tín đang diễn ra ngày càng phổ biến với nhiều mức độ và tính chất nghiêm trọng khác nhau.

Để ngăn chặn các vi phạm, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện sớm và xử lý nghiêm các vi phạm. Các doanh nghiệp phải tự nâng cao ý thức tự bảo vệ bằng cách đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các cơ quan có thẩm quyền, chủ động phát hiện các hành vi vi phạm, thường xuyên thông báo, hướng dẫn cho người dân cách nhận biết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Quan trọng hơn, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin, nguồn gốc xuất xứ để có những lựa chọn thông minh, phù hợp khi mua và sử dụng các hàng hóa, sản phẩm. Đồng thời, cần có thái độ rõ ràng, tẩy chay những doanh nghiệp vì lợi nhuận cố tình bày bán hàng hóa kém chất lượng trên thị trường.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top