Khó hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông

08:54 - Thứ Năm, 02/08/2018 Lượt xem: 8308 In bài viết
ĐBP - Tháng 12/2011, HÐND tỉnh ra Nghị quyết số 251/NQ-HÐND về việc thông qua Ðề án Ðiều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông - vận tải tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Ðề án nhằm xây dựng và phát triển hệ thống giao thông - vận tải tỉnh đồng bộ, hướng tới hiện đại cả về kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết đến năm 2020 là hệ thống quốc lộ, đường tỉnh phải đưa vào cấp hạng kỹ thuật, 100% được thảm bê tông nhựa, láng nhựa hoặc bê tông xi măng. Quốc lộ chủ yếu đạt tiêu chuẩn cấp IV; đường tỉnh chủ yếu đạt tiêu chuẩn cấp VI, V, một số đoạn tuyến đạt cấp IV. Giao thông đô thị, 100% mặt đường được nhựa hóa và cứng hóa, phát triển theo hướng hiện đại; giao thông nông thôn, 100% đường huyện, đường đến trung tâm xã và cụm xã được rải nhựa hoặc bê tông xi măng; 50% số thôn, bản có đường ô tô. Giai đoạn 2021 - 2030, hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nhất là giao thông đường bộ. Nâng cấp đồng bộ các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp III, các tuyến đường tỉnh cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp V. Nhựa hóa và bê tông hóa 100% đường huyện và 70% đường xã, gắn với việc xây dựng nông thôn mới có hạ tầng giao thông hiện đại; hoàn thành xây dựng hệ thống bến xe, bãi đỗ, điểm dừng nghỉ.

 

Hiện nay nhiều tuyến đường giao thông nội bản trên địa bàn xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) vẫn còn đường đất.

Tuy nhiên sau 7 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, nhất là hệ thống giao thông nông thôn.

Mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2020 có 100% hệ thống tỉnh lộ được thảm bê tông nhựa, láng nhựa hoặc bê tông xi măng, tuy nhiên, đến nay vẫn còn 238/607km là đường cấp phối và đường đất. Ðối với giao thông đô thị vẫn còn gần 45/245,8km là đường đất. Ðặc biệt, mục tiêu 100% đường huyện, đường đến trung tâm xã và cụm xã được rải nhựa hoặc bê tông xi măng là việc rất khó hoàn thành. Bởi hiện nay còn hơn 650/1.000km đường huyện, gần 5.000/5.300km đường xã, thôn bản và nội đồng là đường cấp phối và đường đất. Ðặc biệt để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có 50% số thôn, bản có đường ô tô là vấn đề quá khó. Nguyên nhân do đặc thù là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, có nhiều thôn, bản cách trung tâm xã, huyện hàng chục kilômét nên suất đầu tư rất lớn. Trong khi đó, tỉnh ta còn nghèo, nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông chủ yếu phụ thuộc vào Trung ương. Những năm gần đây, nguồn lực này bị cắt giảm đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển giao thông - vận tải của tỉnh. Ðồng thời, nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông đường bộ rất hạn hẹp nên việc duy trì bảo đảm giao thông hết sức khó khăn.

Hiện nay, huyện Ðiện Biên Ðông có 12 tuyến đường nội thị, liên xã với tổng chiều dài 226km, trong đó chỉ có 99,9km rải nhựa (đạt 32,3%); 21,4km đường bê tông xi măng (6,9%); 128,2km đường rải cấp phối (41,4%) và còn 59,5km đường đất (19,4%). Số xã có đường ô tô đi được 2 mùa đến trung tâm xã là 9/14 xã, thị trấn trong đó có 5 xã được hưởng lợi bởi quốc lộ 12 kéo dài; có 5 xã vào mùa mưa đi lại rất khó khăn, nếu mưa lớn kéo dài các tuyến đường này không thể đi lại được. Ðối với các tuyến đường do cấp xã quản lý, đến nay toàn huyện có 528km đường dân sinh nối trung tâm xã với các bản và nối các bản với nhau trong đó có 23,98km đường bê tông xi măng (chiếm 4,54%) còn lại hơn 504km là đường đất (chiếm 95,56%). Ðiển hình là các tuyến: Na Son - Sa Dung - Mường Lạn (huyện Tuần Giáo) với tổng chiều dài 28km hiện nay mặt cấp phối cơ bản đã bị trôi gần hết, công trình thoát nước chưa được đầu tư kiên cố, mùa mưa lũ hầu như không đi lại được; tuyến Pá Vạt - Háng Lìa - Tìa Dình với tổng chiều dài 23km, năm 2009 có dự án đầu tư nâng cấp với tổng vốn 32 tỷ đồng nâng cấp đoạn từ Pá Vạt đi đến trung tâm xã Háng Lìa dài 10km, đã thi công được khoảng 30% nhưng do không bố trí được nguồn vốn công trình này đã tạm dừng thi công từ năm 2012 cho đến nay. Tuyến đường này cứ vào mùa mưa hầu như bị ách tắc hoàn toàn, ảnh hưởng đến việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa của nhân dân. Ông Ðinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, cho biết: Trên địa bàn còn 7 tuyến đường huyện đến trung tâm xã (tổng chiều dài 143km) và trên 70 tuyến đường xã, thị trấn (hơn 532km) chưa được cứng hóa với nhu cầu nguồn vốn thực hiện trên 1.552 tỷ đồng. Trong khi mỗi năm Nhà nước chỉ đầu tư được khoảng 20 - 30 tỷ đồng, có nghĩa là phải cần trên 50 năm mới hoàn thành cứng hóa.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, ngoài việc tiếp tục kiến nghị sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh đang có kế hoạch từng bước triển khai xã hội hóa trong đầu tư, quản lý, khai thác sử dụng giao thông vận tải; phát huy nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Thế nhưng, khả năng triển khai hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) tại tỉnh ta rất khó bởi lưu lượng phương tiện quá thấp. Hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) khả thi hơn, hiện nay tỉnh chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng một số tuyến giao thông trọng điểm như tuyến đường từ Thanh Minh đi Ðồi Ðộc Lập (TP. Ðiện Biên Phủ). Tuy nhiên, hình thức này nếu thực hiện thì cũng chỉ ở các đô thị, còn đối với vùng nông thôn là rất khó.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top