Thận trọng phát triển cây mắc ca

08:23 - Thứ Sáu, 03/08/2018 Lượt xem: 10081 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 2.170ha cây mắc ca, được trồng từ năm 2009 trong đó có 1.630ha trồng tập trung, còn lại trồng xen kẽ với các loại cây trồng khác tại huyện Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Ðiện Biên Phủ. Ðến nay, hầu hết diện tích cây mắc ca đã cho thu hoạch; theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với một số cây trồng khác. Nếu chăm sóc tốt, sau 3 - 4 năm cây mắc ca sẽ cho thu hoạch. Doanh thu từ năm thứ 8 trở đi trung bình đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha. Trước hiệu quả về kinh tế của cây mắc ca, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét điều chỉnh tăng diện tích quy hoạch trồng cây mắc ca trên địa bàn. Ðầu năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản về việc điều chỉnh quy hoạch diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên đến năm 2025 nhưng phải đảm bảo các yêu cầu: Không quy hoạch chuyển đổi đất rừng tự nhiên, chỉ quy hoạch trên đất trống ở những vùng đã trồng thử nghiệm được đánh giá thành công; đánh giá hiệu quả cây mắc ca và điều kiện thực tế của tỉnh để xác định lộ trình và quy mô phát triển cây mắc ca phù hợp, hiệu quả gắn với chế biến và tiêu thụ..


Công nhân Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc chăm sóc vườn cây mắc ca tại xã Tà Lèng (TP. Ðiện Biên Phủ).

Ðề án Phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung ở 4 huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Ðiện Biên và Tuần Giáo, với quy mô khoảng 26.000ha, diện tích quy hoạch khoảng 35.000ha. Trong đó, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm công nghệ cao thuộc Tập đoàn TH, quy hoạch 6.000ha tại các xã Na Cô Sa, Nà Khoa, Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại và Ðầu tư Phú Thịnh quy hoạch khoảng 9.000ha tại xã Phu Luông (huyện Ðiện Biên), Nà Hỳ, Nậm Chua (huyện Nậm Pồ); Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc quy hoạch khoảng 11.000ha tại huyện Mường Nhé; Công ty Cổ phần Maccadamia đề xuất điều chỉnh thực hiện trồng mắc ca tại huyện Tuần Giáo với quy mô vùng quy hoạch khoảng 4.000ha.

Ðể đảm bảo quyền lợi cho người dân vùng dự án, nhà đầu tư thống nhất cơ chế góp đất thực hiện dự án theo 2 phương án. Phương án thứ nhất, trong 5 năm đầu, người dân sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm; từ năm thứ 6 trở đi người dân được hưởng 15% giá trị sản phẩm quả tươi; doanh nghiệp cam kết người dân được hưởng tối thiểu 5.880.000 đồng/ha/năm tính từ năm thứ 6 trở đi; ngoài ra, doanh nghiệp cam kết sử dụng lao động của những hộ dân góp đất mức bình quân 1 lao động/ha. Phương án thứ hai là doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án. Ðối với đất trống thuộc quy hoạch rừng sản xuất UBND xã đang quản lý thực hiện thu hồi giao cho doanh nghiệp thuê theo quy định; đối với đất sản xuất lâm nghiệp người dân đang canh tác lương thực sẽ được đo đạc quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hiện trạng nhưng tối đa không quá 5ha/hộ. Người dân sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tùy điều kiện cho doanh nghiệp thuê theo mức 4 triệu đồng/ha/năm; từ năm thứ 6 trở đi doanh nghiệp trả thêm cho người dân 4 triệu đồng/ha/năm. Sau 5 năm nếu có trượt giá thị trường sẽ điều chỉnh 5 - 10% giá trị, như vậy từ năm thứ 6 trở đi, tổng giá trị doanh nghiệp trả cho người dân góp đất dự án 8 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, việc thống nhất cơ chế góp đất giữa người dân với doanh nghiệp thực hiện dự án bằng cách này hay cách kia không phải là vấn đề đáng ngại, mà quyền lợi của người dân tham gia dự án có được đảm bảo hay không mới quan trọng. Bởi đất đai là tư liệu sản xuất duy nhất của nông dân, đặc biệt ở khu vực vùng cao. Thực tế đã chứng minh, trên địa bàn tỉnh ta, trước đây đã có tình trạng người dân góp đất với doanh nghiệp thế nhưng đến khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, cuối cùng người dân phải chịu thiệt thòi. Ðiển hình là năm 2009 hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Mường Ảng góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa Mường Ảng với mong muốn có cuộc sống khá hơn nhờ vào cây cà phê. Song, từ năm 2013 Công ty làm ăn thua lỗ đã “bỏ chạy”, khiến nông dân không có tư liệu sản xuất, không có thu nhập, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Việc các doanh nghiệp đầu tư phát triển cây mắc ca góp phần hình thành vùng chuyên canh cây mắc ca gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, gắn với định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh trong việc đầu tư phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao, nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, sản xuất liên kết theo chuỗi sản phẩm; làm cơ sở cho việc quản lý, chỉ đạo và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các cấp, ngành chức năng cần nghiên cứu kỹ việc phát triển dự án. Bởi mắc ca, dù được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại cây nông nghiệp nhưng loại cây này đang trong giai đoạn thử nghiệm trên phạm vi cả nước; các kết quả nghiên cứu khoa học về chọn giống, đánh giá khả năng thích nghi, kỹ thuật thâm canh, thu hoạch, bảo quản, sơ chế và chế biến... đang trong giai đoạn hoàn thiện. Mặc dù, việc phát triển cây mắc ca hiện nay là do các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư, quản lý tổ chức thực hiện từ khâu sản xuất giống, trồng đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư dự án. Người dân vùng dự án có thể tham gia liên kết trồng mắc ca với doanh nghiệp hoặc trồng mắc ca sau đó bán cho doanh nghiệp thu mua... Nhưng phương thức nào cũng đều cần sự góp quyền sử dụng đất của người dân. Nếu doanh nghiệp làm ăn tốt thì người dân được hưởng lợi, còn nếu doanh nghiệp làm ăn thua kém thì người dân chịu thiệt thòi.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top