Tà Lèng tìm hướng phát triển chăn nuôi

09:08 - Thứ Hai, 06/08/2018 Lượt xem: 9340 In bài viết
ĐBP - Với diện tích tự nhiên hơn 1.400ha, trong đó đất nông nghiệp trên 715ha, vị trí không xa trung tâm thành phố, xã Tà Lèng (TP. Ðiện Biên Phủ) có lợi thế hơn so với các xã, phường còn lại trong phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến nay chăn nuôi ở Tà Lèng vẫn dừng ở hình thức manh mún, nhỏ lẻ.


Nông dân xã Tà Lèng chăm sóc đàn bò.

Sau gần 10 năm chia tách, thành lập trong số các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chăn nuôi ở Tà Lèng cũng được chú trọng và có những bước tiến. Nếu như năm 2009 (thời điểm mới chia tách), tổng đàn vật nuôi của xã Tà Lèng có khoảng 3.000 con, năm 2013 tăng lên 4.500 con, đến thời điểm hiện tại số lượng gia súc, gia cầm của toàn xã là gần 7.000 con. Nhằm phát triển đàn vật nuôi, cùng với việc tạo điều kiện cho người dân được vay vốn, chính quyền xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân phương pháp chăm sóc dịch bệnh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Trong đó, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được quan tâm. Từ đầu năm đến nay, xã đã tổ chức phun phòng định kỳ lần 4 năm 2017 trên diện tích hơn 144.000m2; tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm H5N1 1.800 liều; đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Mặc dù số lượng gia súc, gia cầm tăng qua các năm, song chăn nuôi ở Tà Lèng chủ yếu mới dừng ở hình thức hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ. Ðơn cử, trong chăn nuôi gia cầm, toàn xã hiện có hơn 250 hộ dân, nhưng chỉ có duy nhất gia đình ông Lê Văn Nương, bản Kê Nênh có quy mô chăn nuôi khoảng 100 con mỗi lứa. Còn lại hầu hết các hộ gia đình chỉ nuôi từ 20 - 30 con hoặc ít hơn, chủ yếu để đáp ứng, phục vụ nhu cầu của gia đình chứ chưa phát triển theo hướng hàng hóa. Tương tự, thống kê trong chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã cho thấy, quy mô đàn lợn cũng chỉ trên dưới chục con/hộ, còn đại gia súc từ 2 - 3 con/hộ.

Có lợi thế, tiềm năng nhưng chăn nuôi ở Tà Lèng phát triển chưa tương xứng. Một trong những trở ngại lớn nhất đó là vốn. Với 96% dân số chủ yếu làm nông nghiệp, thu nhập bình quân của xã Tà Lèng hiện nay vẫn còn thấp, khoảng 14 triệu đồng/người/năm. Với mức thu nhập như vậy để có vốn đầu tư chăn nuôi lớn hoặc theo hình thức trang trại rất khó. Cùng với đó, trong số gần 1.200 nhân khẩu của toàn xã thì 95% là người dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Một số trường hợp được tiếp cận với nguồn vốn chính sách nhưng chưa mạnh dạn đầu tư lớn. Ðồng vốn đi vay cũng chủ yếu để chăn nuôi quy mô nhỏ. Hầu hết người dân vẫn chăn nuôi theo kiểu truyền thống, không có sự đầu tư bài bản.

Nói về định hướng phát triển chăn nuôi trong thời gian tới, ông Lò Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Tà Lèng cho biết: Nhằm khuyến khích người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển theo hướng hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xã đang chuẩn bị triển khai điểm dự án nuôi gà thả đồi, quy mô 1.000 con với hơn 10 hộ tham gia. Dự kiến đến cuối tháng 9, đầu tháng 10 sẽ triển khai trên thực tế. Về lâu dài, xác định chăn nuôi là một trong những hướng đi chính trong phát triển kinh tế, nhất là đối với xã thuần nông như Tà Lèng, xã sẽ tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung, đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ trong chăn nuôi; tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, sử dụng giống mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Ðồng thời, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể phối hợp với các ngân hàng ký kết ủy thác, tín chấp, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển chăn nuôi.

Sắp tới, xã Tà Lèng sẽ tổ chức công bố đạt chuẩn nông thôn mới. Với những giải pháp phù hợp, mong rằng chăn nuôi ở Tà Lèng sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top