Phát triển vùng chuyên canh nông nghiệp

Gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm

09:09 - Thứ Năm, 09/08/2018 Lượt xem: 9220 In bài viết
ĐBP - “Ðược mùa mất giá và được giá lại mất mùa” đã nhiều lần xảy ra đối với các sản phẩm của ngành Nông nghiệp cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác quy hoạch chưa chú trọng gắn kết chặt chẽ với việc bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ; công tác tuyên truyền chưa hiệu quả dẫn đến người dân tự ý phá vỡ vùng chuyên canh, không tuân thủ quy định.

Năm 2012, Chính phủ ban hành Quyết định 124/QÐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó giao các tỉnh tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương. Theo đó, quy hoạch nông nghiệp phải gắn kết chặt chẽ với sản xuất công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; quy hoạch phải trên cơ sở đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường, kết hợp ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ… để khai thác có hiệu quả lợi thế và điều kiện tự nhiên của mỗi vùng, địa phương.

 

Hầu hết những diện tích trồng đậu tương trước đây ở xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo) nay được thay bằng trồng ngô hoặc lạc. Trong ảnh: Người dân xã Chiềng Sinh thu hoạch lạc.

Thực hiện Quyết định 124/QÐ-TTg, ngành Nông nghiệp tỉnh đã rà soát, xây dựng một số vùng chuyên canh nông nghiệp. Ðến nay, toàn tỉnh có 3 vùng chuyên canh nông nghiệp lớn, gồm: Cà phê (Mường Ảng và một số diện tích thuộc huyện Tuần Giáo, Ðiện Biên), cao su (huyện Ðiện Biên, Mường Nhé) và cây chè (huyện Tủa Chùa). Ngoài ra có một số vùng chuyên canh nông nghiệp nhỏ như cây đậu tương, ngô, lạc (Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông)… Tuy nhiên, theo ông Trịnh Quốc Cường, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì hầu hết các vùng chuyên canh này chưa phát huy được hiệu quả như mục tiêu quy hoạch đề ra; thậm chí một số vùng chuyên canh chính quyền địa phương và người dân chưa tuân thủ theo quy định, dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Ngày 21/9/2007 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1055/QÐ-UBND, về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển vùng chè tại 4 xã: Sín Chải, Tả Phìn, Sính Phình và Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa, giai đoạn 2006 - 2012, tầm nhìn 2020. Tuy nhiên, đến nay Dự án Phát triển vùng chè ở Tủa Chùa đang gặp nhiều khó khăn cả về việc mở rộng diện tích cũng như tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu đề ra, đến năm 2020 diện tích chè toàn huyện đạt 800ha. Song chỉ tiêu này có nguy cơ khó thực hiện, bởi hiện nay toàn huyện mới chỉ có 577ha chè; diện tích chè trồng mới hàng năm rất thấp, thậm chí có năm không trồng mới được diện tích nào (năm 2016), còn năm 2017 chỉ trồng được 17,5ha (chưa nghiệm thu). Ðặc biệt, một số diện tích trồng từ giai đoạn 2011 - 2012, đến nay đã đến thời kỳ kinh doanh, thu hái, nhưng cây chè chỉ cao từ 40 - 70cm, số lượng búp thực thu ít; cây chè còi cọc, chậm phát triển không đủ điều kiện nghiệm thu hỗ trợ theo quy định. Mặc dù huyện Tủa Chùa đã có nhiều chính sách hỗ trợ về: Cây giống, phân bón và gạo đối với những diện tích chè đủ điều kiện nghiệm thu, nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa chú trọng chăm sóc, bảo vệ. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm chè cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo tính toán, từ năm 2014 đến nay sản phẩm chè sản xuất ra chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, số lượng chè búp tồn kho nhiều, trung bình hàng năm tồn trên 4.000kg, riêng năm 2017 tồn kho khoảng 6.000kg. Mặc dù chè Tủa Chùa vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Việt Nam trong 2 năm (2013 và 2014) song tìm thị trường ngoài tỉnh cho chè Tủa Chùa vẫn rất khó khăn.

Thời gian qua, một số vùng chuyên canh nhỏ cũng chưa phát huy hiệu quả, thậm chí còn phá vỡ quy hoạch. Ðiển hình như vùng chuyên canh cây đậu tương trên địa bàn xã Pú Nhung, Phình Sáng, Rạng Ðông, Ta Ma (huyện Tuần Giáo). Khoảng năm 2008, những xã trên vốn là vùng sản xuất đậu tương lớn nhất tỉnh. Thời điểm đó, huyện Tuần Giáo xác định đậu tương là cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Mặc dù được quy hoạch vùng trồng đậu tương nhưng chỉ sau vài năm cây đậu tương bộc lộ nhiều nhược điểm, như sâu bệnh, việc gieo trồng, chăm sóc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Ðặc biệt, phần lớn diện tích gieo trồng vào vụ xuân hè, thời tiết bất lợi khiến việc thu hoạch, bảo quản hết sức khó khăn. Do đó người dân bỏ đậu tương chuyển sang trồng ngô. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo, nếu như năm 2005, toàn huyện có 4.182ha đậu tương; năm 2010 có 3.000ha; năm 2014 có 571ha, thì đến năm 2017 diện tích đậu tương chỉ còn khoảng 250ha, năng suất ước đạt 27 tạ/ha. Thay vào đó diện tích ngô ngày càng tăng: năm 2010, toàn huyện có chưa đến 3.000ha ngô thì đến nay tăng lên gần 6.900ha. Từ vị thế cây “mũi nhọn”, đậu tương đã dần giảm giá trị, vì thế những năm gần đây, huyện Tuần Giáo không xác định cây đậu tương là cây thế mạnh như trước mà thay vào đó là cây ngô. Tuy nhiên, việc người dân tự ý mở rộng diện tích trồng ngô, khiến tổng diện tích ngô tăng đột biến ảnh hưởng không nhỏ định hướng phát triển kinh tế chung của cả huyện. Dù được đánh giá năng suất cao, nhưng lợi nhuận người dân thu về từ sản xuất ngô không được như mong muốn, thậm chí lỗ vốn. Bởi lẽ, việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn, chưa có đơn vị nào đứng ra thu mua, bảo vệ quyền lợi, dẫn đến tình trạng thương lái ép giá, khiến nông dân phải bán ngô với giá rẻ. Ðiển hình như vụ ngô xuân hè 2017, năng suất trung bình đạt từ 28 - 35 tạ/ha, có những nơi đạt hơn 50 tạ/ha, nhưng do nguồn cung lớn hơn cầu nên xảy ra tình trạng người dân bị thương lái ép giá, nhiều hộ lỗ vốn.

Ðể ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng giá trị gia tăng, khi quy hoạch hay xây dựng đề án phát triển vùng nông nghiệp, cần đặc biệt quan tâm gắn kết chặt chẽ với với sản xuất bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, liên kết theo chuỗi cung ứng giá trị sản phẩm. Ðồng thời, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền người dân không tự ý chuyển đổi cây trồng theo trào lưu, phá vỡ quy hoạch, đến mùa thu hoạch mất cân đối cung - cầu, dẫn đến tình trạng được mùa mất giá.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top